Một trong những khách hàng mới nhất của Huawei là một trại cá ở miền đông Trung Quốc, có diện tích gấp đôi Công viên Central Park ở New York (Mỹ).
Theo Bloomberg, trang trại được bao phủ bởi hàng chục nghìn tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng bộ biến tần của Huawei, vừa che nắng cho cá lại vừa tạo ra điện năng.
Cách đó 600 km về phía tỉnh Sơn Tây, các cảm biến và camera không dây của Huawei cũng được sử dụng trong các mỏ than. Chúng được đặt sâu trong lòng đất, theo dõi lượng oxi và lỗi máy móc trong mỏ.
Bị Mỹ chặn nguồn cung
Từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, tập đoàn Trung Quốc vài năm gần đây liên tiếp hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ nhắm vào mảng kinh doanh tiêu dùng.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hôm 12/3 vừa đưa 5 công ty Trung Quốc bao gồm Huawei, ZTE, Hytera, Hikvision và Dahua vào danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia. Với quyết định này, các công ty Mỹ không thể mua thiết bị từ Huawei và ZTE khi nhận thầu những dự án trong gói đầu tư dùng ngân sách chính phủ, theo Reuters.
Dưới sức ép của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã chỉ đạo công ty chuyển hướng tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp như giao thông, sản xuất, nông nghiệp và một số ngành khác nhằm cứu cánh mảng kinh doanh cốt lõi đang bị Washington đe dọa.
Các tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng bộ biến tần của Huawei. - Ảnh: E.T. |
Với thế mạnh là nhà cung cấp biến tần hàng đầu thế giới, Huawei đang nỗ lực thúc đẩy doanh số bán mặt hàng này, đồng thời chú trọng vào các dịch vụ đám mây, phân tích dữ liệu để giúp 190.000 nhân viên tồn tại. Động thái này càng trở nên cấp bách hơn sau khi các lô hàng điện thoại của hãng này ghi nhận doanh thu giảm 42% trong 3 tháng cuối năm 2020.
“Mỹ khó có thể loại bỏ Huawei ra khỏi danh sách đen. Chỉ có các sáng kiến mới có thể giúp công ty bù đắp được một phần thiệt hại này”, ông Nhậm cho biết trong buổi khai trương một phòng thí nghiệm về khai mỏ hồi tháng trước, tuy nhiên ông từ chối cung cấp số liệu cụ thể.
Mảng tiêu dùng của Huawei đóng góp khoảng 39 tỷ USD - tương đương 50% doanh thu trong nửa đầu năm ngoái. Mảng này ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020, chủ yếu nhờ sự thúc đẩy từ các đơn hàng trạm BTS 5G và doanh số bán điện thoại thông minh.
Lĩnh vực kinh doanh mới
Ở diễn biến khác, lệnh cấm của Mỹ không gây ảnh hưởng nhiều đến các mảng kinh doanh mới của Huawei, do phần lớn linh kiện sản xuất đều có sẵn từ các nhà cung cấp trong nước.
Các chip tiên tiến nhất có trong bộ biến tần của Huawei - giúp chuyển đổi điện từ các tấm pin mặt trời - được sản xuất dựa trên công nghệ 28 nm của các công ty Trung Quốc. Một số bộ phận khác như module nguồn, cũng có thể được chế tạo bằng công nghệ 90 nm trở lên.
Một số chip tiên tiến có trong thiết bị biến tần của Huawei có thể lấy từ nhà cung cấp trong nước. - Ảnh: TeleTrader. |
Mỗi bộ biến tần của Huawei có thể được bán với giá hơn 20.000 NDT - cao hơn mẫu điện thoại gập cao cấp mới ra mắt của hãng Mate X2. Trong khi đó, loại chip Huawei sử dụng trong các hệ thống ôtô cũng không phức tạp như trong điện thoại và có thể lấy từ nhà cung cấp châu Âu.
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cũng đang xem xét việc chuyển hướng sang ngành khai mỏ. "Phần lớn các hãng công nghệ thông tin không nghĩ rằng khai mỏ là một lĩnh vực có thể tạo đột phá”, ông nói.
“Trung Quốc có khoảng 5.300 mỏ than và 2.700 mỏ quặng. Nếu có thể phục vụ tốt hơn 8.000 mỏ này, chúng tôi hoàn toàn có cơ hội mở rộng ra các mỏ ngoài Trung Quốc”, tỷ phú nhấn mạnh.
Mặc dù Huawei đang đặt cược vào các mảng kinh doanh mới, từ khai mỏ cho đến ngành công nghiệp ôtô, tương lai dài hạn cũng như khả năng tiếp tục cung cấp năng lượng cho hệ thống 5G tại Trung Quốc của tập đoàn này vẫn còn mù mịt.
HiSilicon, một công ty con của Huawei, vốn là nhà thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc. Công ty này là nguồn cung cấp thế hệ chip cao cấp nhất dùng trong các sản phẩm smartphone và trạm gốc không dây của Huawei. Tuy nhiên, hãng này đã bị Mỹ cắt nguồn cung phần mềm thiết kế chip và khả năng tiếp cận với nhà sản xuất Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) tại Đài Loan.