Trong 1 tuần phải di dời nhà xưởng, máy móc để bàn giao lại đất
Sáng 27/9, Sư đoàn 372 đã gặp gỡ, thông báo đến các doanh nghiệp (DN) ý kiến của bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thanh lý hợp đồng với các đối tác sử dụng đất quốc phòng sân bay Đà Nẵng vào hoạt động kinh tế.
Cụ thể, Sư đoàn 372 phải chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân về việc khắc phục những khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của UBND TP Đà Nẵng để thực hiện thanh lý các hợp đồng, khôi phục nguyên trạng tường rào vành đai sân bay Đà Nẵng đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra khiếu kiện.
Trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H sắp phải di dời theo lệnh. Ảnh: NLĐ |
Đối với các DN, phải chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng và quyết định của Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác với Sư đoàn 372. Thực hiện việc di dời các trang bị, phương tiện, hàng hóa… ra khỏi khu đất và bàn giao nguyên trạng đất quốc phòng cho Sư đoàn 372 đúng thời gian quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có kiến nghị, đề nghị các DN phải gửi văn bản về Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân để phối hợp giải quyết.
Lộ trình buộc các DN di dời bắt đầu từ ngày 29/9 đến 6/10, các DN tổ chức tháo dỡ, di dời tài sản, nhà xưởng, phương tiện và bàn giao đất quốc phòng cho Sư đoàn 372.
Từ ngày 6 đến 15/10, đơn vị chức năng tiếp nhận bàn giao đất quốc phòng, tổ chức canh gác đảm bảo an toàn vành đai sân bay, tổ chức xây dựng tường rào vành đai sân bay Đà Nẵng, theo báo Pháp luật TP HCM.
Chủ doanh nghiệp bật khóc vì bất lực
Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H, bật khóc.
Chủ doanh nghiệp bật khóc vì lệnh di dời quá gấp. Ảnh: PLO |
Ông Khải cho hay: “DN của tôi làm ăn đàng hoàng, tiền thuê đất nộp đủ hằng năm. Hợp đồng thì phải đến ngày 30-6-2018 mới hết nhưng giờ bắt tôi di chuyển tất cả nhà máy, trang thiết bị, vật tư từ nay đến ngày 6-10 phải bàn giao thì làm sao xoay cho kịp.
Tôi chưa bao giờ khóc mà đã phải bật khóc ngay trong buổi làm việc, giờ ra đây cũng không kìm được nước mắt vì mình không biết ăn nói sao với mấy trăm anh em công nhân. Công nhân của tôi lo lắng khi nghe tin phải bàn giao mặt bằng lại cho Bộ Quốc phòng nên gọi điện thoại liên tục.
Tôi không phản đối kế hoạch thu hồi đất của Bộ Quốc phòng nhưng hãy cho chúng tôi thêm thời gian để di dời cả ngàn tấn thiết bị, nhà xưởng. Cả ngàn tấn thiết bị chứ có phải mớ rau đâu mà bắt di dời là làm ngay được. Bây giờ lệnh gấp gáp như thế, không biết tìm đâu ra lối thoát, nếu không chấp hành kịp chủ trương có khi lại đẩy tôi vào thế người vi phạm pháp luật”.
Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trọng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H (một DN thuê đất bị thu hồi), cho biết: "Theo hợp đồng đến tháng 6-2018, K&H mới hết thời hạn hợp đồng thuê đất và sẽ tự tháo dỡ nhà xưởng, di chuyển máy móc thiết bị, bàn giao lại đất. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng chấm dứt hợp đồng, thu hồi đất mà chưa có chủ trương đầu tư dự án, đầu tư nâng cấp hay dùng cho mục đích quân sự thì cần xem xét tạo điều kiện cho DN tiếp tục hợp đồng thuê đất để ổn định sản xuất kinh doanh, chia sẻ khó khăn về vốn vay của DN".
Còn ông Lương Đình Hùng, Giám đốc Công ty TNHH và DVTH Đình Hùng, cho rằng nếu Bộ Quốc phòng xây dựng lộ trình thoái vốn, lộ trình chấm dứt hợp đồng với các DN đối tác thì mọi việc sẽ không có gì đáng bàn, còn với cách làm như hiện nay có thể nói là đẩy DN vào nguy cơ phá sản là rất lớn.