Chính quyền Biden đang theo dõi chặt chẽ các rủi ro kinh tế liên quan đến biến thể Delta, trong khi các quan chức cấp cao trong những ngày gần đây đã đề xuất các biện pháp hạn chế có thể phải được áp dụng lại để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới.
“Loại virus này không còn phải kìm hãm chúng ta nữa. Nó không còn phải kìm hãm nền kinh tế của chúng ta nữa. Nhưng cách duy nhất chúng tôi bỏ nó lại sau lưng là khi nhiều người Mỹ được tiêm chủng", Tổng thống Biden tuyên bố hồi đầu tuần.
Khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra trong suốt mùa xuân và mùa hè, Nhà Trắng đã đưa ra những dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hồi sinh trở lại khi người tiêu dùng nhanh chóng quay trở lại mức chi tiêu như trước đại dịch. Ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ.
Nhưng biến thể Delta có thể thách thức những kỳ vọng đó, đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Đại dịch có thể làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng nếu chính quyền không đảm bảo an toàn khi mở cửa nền kinh tế.
Sự phổ biến của biến thể ở nước ngoài đã làm tổn hại đến chuỗi cung ứng của Mỹ và tình trạng thiếu hụt hàng hóa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát bằng cách tăng giá sản xuất.
Việc gia tăng số ca nhập viện và tử vong trong số những người không được tiêm chủng đặt ra một thách thức đặc biệt đối với chính quyền Biden ở những bang bảo thủ, vốn phản kháng mạnh mẽ với các quy tắc phòng dịch còn viện trợ liên bang đang bắt đầu cạn kiệt.
“Nền kinh tế của chúng ta đã trải qua một chặng đường dài trong 6 tháng qua. Hiện tại chúng ta không thể giảm tốc độ", ông Biden tuyên bố.
Đầu tuần này, cổ phiếu trên Phố Wall đã giảm tới 2%, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã sụt giảm 726 điểm, mức sụt giảm tồi tệ nhất trong năm 2021. Chỉ số S&P và Nasdaq cũng giảm mạnh. Trong khi giá bitcoin đã giảm xuống dưới 30.000 USD lần đầu tiên kể từ ngày 22/6.
Những lo ngại đặc biệt đang gia tăng về việc liệu biến thể Delta có làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu hay không, từ đó có thể làm phức tạp thêm sự phục hồi của nước Mỹ.
Ông Peter Essele, người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư tại mạng lưới tài chính Commonwealth cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang hết sức mong manh, một làn sóng lây nhiễm mới có thể gióng lên hồi chuông báo tử cho đà phục hồi”.
Các nhà phân tích hàng đầu khác cũng bắt đầu lo lắng. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại công ty Moody’s Analytics nhận định biến thể Delta là một mối đe dọa nghiêm trọng.
Mặc cho nhiều lo ngại mới, nhiều nhà kinh tế nhấn mạnh rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn mạnh mẽ hơn so với những năm trước. Các nhà hoạch định chính sách liên bang đã rót hàng nghìn tỷ USD viện trợ liên bang vào nền kinh tế, bao gồm cả kế hoạch cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền Biden.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm thứ Hai rằng 99,5% những người đang nhập viện hoặc tử vong vì COVID-19 không được tiêm phòng và kêu gọi nhiều người Mỹ đi tiêm. Bà Psaki nhấn mạnh rằng chính quyền vẫn tự tin vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng.
“Chúng tôi chắc chắn đã nhìn thấy những chuyển động trên thị trường chứng khoán; chúng tôi cũng biết rằng tỷ lệ thất nghiệp đang giảm xuống, tăng trưởng kinh tế tăng, số việc làm cũng đang tăng lên”, bà Psaki nói. “Chúng tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng chúng ta vẫn đang trong cuộc chiến với dịch bệnh, ngay cả khi chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong vài tháng qua".