Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, đề xuất dán dán tem bia xuất phát từ tình trạng buôn lậu, làm hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng trong lĩnh vực kinh doanh bia, rượu diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm, khiến ngân sách bị thất thu mỗi năm lên tới 2.000-3.000 tỷ đồng. Năm 2011, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”. Trong đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát VBA có đề xuất dán tem bia nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại, đồng thời tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, xét thấy, việc dán tem có thể khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, phát sinh thủ tục, vì thế, Bộ Công Thương đã không xem xét phương án dán tem bia. Thay vào đó, Bộ sẽ nghiên cứu các giải pháp khác trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Được biết, cả nước hiện có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình 20-25 triệu lít/năm/cơ sở. Tổng sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia, tổng nộp ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng.
Trong Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”, việc dán tem đối với sản phẩm bia dự kiến sẽ làm tăng giá thành một sản phẩm khoảng 200 đồng (giá nhãn bia giấy là 179 đồng/chiếc, dành cho sản phẩm là bia chai, bia thùng, bia keg, bia nhập khẩu.)