Đây là những doanh nghiệp mà cơ quan thuế vẫn chưa thu được nợ thuế dù đã bị áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, đề nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, cưỡng chế tài khoản ngân hàng...
Đứng đầu trong danh sách này là Công ty cổ phần xây dựng công trình và đầu tư địa ốc Hồng Quang với số nợ hơn 100 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp có số nợ vài chục tỷ đồng như Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Trang Thiên Phát nợ hơn 44 tỷ, Công ty TNHH thương mại xây dựng kinh doanh nhà Tân Hồng Uy nợ hơn 36,9 tỷ hay Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Minh Sơn nợ hơn 37,4 tỷ đồng...
Trước đó vào cuối tháng 4, Cục Thuế đã công khai 182 doanh nghiệp nợ thuế và thực hiện biện pháp ngăn chặn là tạm dừng xuất cảnh với những đối tượng chây ì nợ, đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Tính đến ngày 30/6, số nợ có khả năng thu là 9.979 tỷ đồng, giảm 959 tỉ đồng so với thời điểm 31/12/2016.
Theo Cục Thuế TP.HCM, thu thuế hoạt động chuyển nhượng vốn trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến do một số thương vụ chuyển nhượng lớn.
Trong số đó, chỉ riêng thương vụ LafargeHolcim Việt Nam bán 65% cổ phần trong liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam cho Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Cục Thuế TP đã thu được 1.800 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan thuế, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm tại Cục Thuế thành phố tăng 17,79% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Riêng thuế thu được từ khu vực doanh nghiệp nhà nước lại giảm.
Một số doanh nghiệp có số thuế nộp tăng như Unilever Việt Nam nộp 308 tỷ đồng (tăng 70,64%), VPBank nộp 369 tỉ đồng (tăng 100,08%) hay Ngân hàng Shinhan Việt Nam nộp 151 tỷ đồng (tăng 18,54%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, số thu từ sắc thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, xe hơi hay bia rượu cũng tăng 17,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với số tiền 1.136 tỷ đồng tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty TNHH liên doanh Vina-Bat nộp 875 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng 55,74%, Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam nộp 1.582 tỷ đồng (tăng 85,84%) còn Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam nộp 3.818 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tuổi Trẻ