Thông tin trên vừa được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong buổi họp báo Chính phủ tối 3/6.
Nói thêm về Uber và Grab, ông Hải cho rằng, đa phần khách hàng đang có đánh giá tốt về giá và chất lượng với mô hình trên. Tuy nhiên, để đảm bảo bền vững, ông nhấn mạnh lại sẽ cùng cơ quan chức năng làm tốt việc phối hợp, giám sát.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, câu hỏi đặt ra với Bộ này là: hiện các hãng taxi truyền thống vẫn "tố" Uber, Grab phá giá thị trường, phía ngành giao thông có quan điểm ra sao?
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã cho biết vừa rồi, cơ quan này đã có những cuộc hội thảo nêu rõ tính ưu việt của loại hình Uber, Grab, và rất mong các doanh nghiệp taxi Việt Nam triển khai các phần mềm ứng dụng tương tự để có cạnh tranh lành mạnh.
“Đến nay cũng có gần 10 hãng taxi của Việt Nam đã thiết lập được phần mềm để ứng dụng gọi xe điện tử và thanh toán điện tử cho khách hàng,” Thứ trưởng nói.
Ngược lại, Thứ trưởng cũng cho biết đã yêu cầu phía Uber và Grab thực hiện đúng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải trong Nghị định 86 đã ban hành.
“Có thể nói đây là loại hình xe hợp đồng nên chúng tôi yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ này chỉ được cung cấp các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải và có phù hiệu cũng như các điều kiện ràng buộc khác,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Riêng về Uber, Thứ trưởng cho biết: Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu đơn vị này ngoài dịch vụ cung cấp phần mềm, nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải thì phải được các Sở Giao thông Vận tải của các tỉnh, thành cấp giấy phép kinh doanh đồng thời chịu quản lý với các điều kiện đúng như doanh nghiệp khác.
“Gần đây nhất, trong nội dung sửa nghị định 86, chúng tôi đã đưa các loại hình này vào, đang xin ý kiến các bộ, ngành. Tôi tin là sẽ đảm bảo công bằng với các loại hình taxi hiện nay,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường lên tiếng.