Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc xây ga tàu điện ngầm C9 (thuộc dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo) sẽ ảnh hưởng khu di tích và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.
Theo Bộ VH-TT&DL, với phương án thiết kế thân ga cách Tháp Bút (cổng Đền Ngọc Sơn) 36 m, đường hầm dưới lòng đất chỉ cách 1 m thì khi thi công sẽ phải đào đất, làm rào chắn, di dời toàn bộ cây xanh khu vực ven hồ. Khi công trình hoàn thành mới trả lại mặt bằng di tích, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường văn hoá và sinh thái khu vực.
Việc thi công nhà ga còn tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu.
Đặc biệt, Tháp Bút là biểu tượng đặc sắc riêng có về truyền thống hiếu học và văn hiến của thủ đô Hà Nội, đã đi vào tiềm thức của người dân. Việc xây ga ngầm cạnh hồ Gươm còn có nguy cơ tắc nghẽn giao thông ở đây khi tiếp nhận lượng hành khách lớn từ ngoài vào trung tâm.
Vì vậy, Bộ tiếp tục đề nghị TP Hà Nội điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga và các công trình phụ trợ để không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích, tuân thủ Luật Di sản văn hoá, theo VOV.
Vi phạm Luật Di sản văn hóa
Ngày 25/10/2018, Bộ VH-TT&DL nhận được Công văn số 10395/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ xem xét kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội công văn số 4950/UBND-ĐT ngày 11/10/2018. Căn cứ Luật di sản văn hóa và các văn bản có liên quan, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại công văn số 1479 ngày 16/8/2018 và xin ý kiến một số chuyên gia, nhà khoa học, Bộ VH-TT&DL đã có công văn 03/BVHTTDL-DSVH báo cáo Thủ tướng chính phủ, nêu rõ một số vấn đề:Về mặt pháp lý, Điều 32 Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định trong các khu bảo vệ di tích chỉ được xây dựng công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích: “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ 2 đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đổi với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc, cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.
Tuy nhiên, thân ga ngầm C9 theo quy hoạch hiện tại nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, đây là công trình phục vụ giao thông không phải là “công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích” như luật quy định. Do đó, nếu xây dựng công trình này là vi phạm điều 32 Luật Di sản văn hóa.
Quan điểm này cũng được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định tại công văn số 1479/UBVHGDTTN 14 ngày 16/8/2018 gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ: “Phương án được lựa chọn không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô”.
Phương án thiết kế mà UBND TP Hà Nội lựa chọn (Thân ga cách Tháp Bút 36m, đường hầm chạy dưới lòng đất chỉ cách chân Tháp Bút 1m; Việc thi công ga buộc phải di dời toàn bộ cây xanh trong khu vực này ở ven hồ, đào đất theo biện pháp “đào hở” sâu khoảng 20m và làm rào chắn, sau khi thi công xong mới hoàn trả mặt bằng của di tích…) gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường văn hóa và sinh thái khu vực, có thể tạo ra những rung chấn ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu ở phía đối diện đặc biệt là đối với Tháp Bút.
Với những lý do nêu trên, Bộ VH-TT&DL có Văn bản số 3984, tiếp tục đề nghị UBNDTP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí các nhà ga và các công trình phụ trợ để đảm bảo không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích trong khu vực, tuân thủ pháp luật về Di sản văn hóa, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, đảm bảo sự đồng thuận cao của cộng đồng.