Kết quả này được Bộ Y tế công bố hôm 23/12 sau khi các viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Pasteur Nha Trang, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, điều tra tình hình thực tế ung thư tại 10 ngôi làng có tỷ lệ mắc ung thư cao. 10 làng này được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá là mắc ung thư do có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất dựa trên điều tra Tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam.
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Vihema |
Các chuyên gia của Bộ Y tế đã khảo sát, đánh giá tỷ lệ mắc ung thư và lấy mẫu nước ăn uống, sinh hoạt ở 10 làng này để xét nghiệm. Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Quản lý Môi trường Y tế cho biết, kết quả khảo sát ban đầu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư tại 10 làng này tương đương với tỷ lệ mắc chung toàn quốc. Các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt đều có hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.
Theo ông Nam, chưa thấy tỷ lệ mắc ung thư cao bất thường tại 10 làng được điều tra. Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân khu vực được điều tra chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các tác nhân có khả năng gây ung thư. Vì thế, chưa kết luận được có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân tại 10 làng này.
Cục Quản lý Môi trường Y tế đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cung cấp toàn bộ hồ sơ điều tra để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Bộ Y tế đang tiến hành thành lập Hội đồng khoa học cấp Bộ để đưa ra kết quả đánh giá khoa học cuối cùng và các khuyến nghị.
Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, bệnh ung thư không phải do một nguyên nhân mà từ rất nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân thay đổi được, có yếu tố không thể thay đổi như tuổi thọ (tuổi thọ càng cao thì ung thư càng nhiều) hay giới (một số loại ung thư chỉ có ở nam giới, một số chỉ có ở nữ giới) hoặc địa dư (người châu Á mắc một số loại ung thư khác với người châu Âu)…
80% nguyên nhân gây ung thư là từ môi trường tác động vào cơ thể: Chất độc, lối sống không lành mạnh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia (đưa chất độc vào cơ thể), virus gây viêm gan cấp ung thư gan, thực phẩm bẩn…
Các nguyên nhân gây ung thư được chia làm 3 nhóm:
Nhóm 1 gồm các yếu tố có thể thay đổi được: Thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và thực phẩm ô nhiễm, ô nhiễm môi trường.
Nhóm 2: Bức xạ - môi trường sống, điều kiện làm việc, ảnh hưởng phóng xạ hạt nhân, tia xạ có thể gây nguy cơ ung thư; virus, vi khuẩn.
Nhóm 3: Các yếu tố không thể thay đổi được gồm tuổi tác, yếu tố di truyền và giới.
Danh sách 10 làng ung thư có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án điều tra.
- Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội
- Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội
- Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
- Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
- Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
- Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
- Làng An Lộc, xã An Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh
- Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
- Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định
- Làng Mê Pu, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Danh sách này được công bố vào đầu năm 2015. Nguồn nước tại các vùng điều tra bị ô nhiễm bởi: thuốc trừ sâu tại các kho chứa thuốc, chất độc chiến tranh, các nghĩa địa, làng nghề, chất thải sinh hoạt, công nghiệp, công trình khai thác nước chưa cách li với các tầng chứa nước nhiễm bẩn…
(Nguồn dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam).