Sự việc trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người liên quan tới trách nhiệm của đơn vị nào để xảy ra tình trạng trên.
Trước sự việc trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Ông có đánh giá như thế nào về kết quả kiểm toán trong lĩnh vực trang thiết bị y tế vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố trước Quốc hội?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Trong thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin xung quanh báo cáo Kiểm toán trình Quốc hội, đó là báo cáo kết quả kiểm toán của 2015.
Thứ nhất đó là kết quả kiểm toán 2015, chúng tôi đang phải kiểm tra lại xem đúng thực hư như thế nào.
Thứ hai là chúng tôi cũng đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan để phối hợp với những bệnh viện trực thuộc Bộ có tên trong báo cáo trên để cụ thể để tìm hiểu rõ cụ thể sự việc ra sao. Chúng tôi đã có văn bản gửi 19 đơn vị gồm sở y tế các tỉnh và các bệnh viện để làm rõ các vấn đề đã nêu trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Chẳng hạn như Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên… như thế nào, từ đó tổng hợp lại, không thể võ đoán được.
Chúng tôi đang trao đổi lại với Vụ Kế hoạch và Tài chính để xem xét cụ thể, vì khi kiểm toán không hề có những vấn đề này, không hiểu tại sao giờ lại có những kết quả như vậy, có thể là do sót. Vì vậy, chúng tôi phải xem xét kỹ, tìm hiểu, tiến hành kiểm chứng thông tin, trách nhiệm của đơn vị nào và sẽ kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời.
Những nội dung nào thuộc trách nhiệm của từng đơn vị, thì đơn vị đó phải làm, không phải tất cả mọi việc đều ở Bộ Y tế.
- Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, có những loại vật tư y tế chênh nhau đến 5-6 lần. Ông có thể giải thích vì sao lại có sự chênh lệch về giá như vậy?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Theo tôi, việc chênh lệch vật tư y tế có hai trường hợp: một là dự toán của cơ sở, một là đấu thầu. Hiện nay, công tác quản lý về vật tư tiêu hao y tế tại Bộ Y tế có hai vụ cùng tham gia: Vụ kế hoạch và tài chính là đầu mối chịu trách nhiệm toàn bộ về đấu thầu, về kỹ thuật chuyên môn thì do Vụ trang thiết bị và công trình y tế phụ trách.
Việc chênh giá vật tư y tế nhiều giữa các bệnh viện phải xem cụ thể để biết được chính xác sự việc như thế nào.
Cụ thể, chúng ta có thể phải kiểm chứng xem tại sao lại có sự chênh lệch khá lớn về giá của thiết bị y tế, hóa chất của Bệnh viện Chợ Rẫy là như thế này, còn của Bệnh viện huyết học Truyền máu Trung ương là như thế kia. Qúa trình rà soát lại nếu phát hiện sai thực sự là lỗi thì Bộ Y tế sẽ xử lý theo quy định và đơn vị nào có liên quan phải giải trình cụ thể, chấn chỉnh từng bước.
Giá của trang thiết bị y tế liên quan đến cấu hình tính năng của máy móc và được thông qua đấu thầu. Thông qua sự việc này, tôi cho rằng cần phải nâng cao trách nhiệm của hội đồng đấu thầu cơ sở và hội đồng chuyên môn cơ sở.
- Vậy ông có thể nói rõ hơn, liên quan tới việc mua sắm về trang thiết bị y tế gồm những đơn vị nào?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Hiện nay, về công tác quản lý trang thiết bị y tế có vai trò của ba bên gồm: Bộ Y tế, sở Y tế các tỉnh thành, thứ hai là Nhà cung cấp trang thiết bị y tế và thứ ba là bệnh viện, cơ sở y tế.
Trong đó, Bộ Y tế và Sở y tế các tỉnh thành có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn chỉ đạo, thanh kiểm tra, chấn chỉnh. Nhà cung cấp trang thiết bị y tế là đơn vị nhập khẩu, sản xuất, phân phối và kinh doanh. Bệnh viện và cơ sở y tế có trách nhiệm đấu thầu, mua sắm, đặt máy, quản lý khai thác và sử dụng.
- Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hiện nay Bộ Y tế chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao lại như vậy?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Về việc quản lý phân nhóm, đây là vấn đề vật tư tiêu hao gồm lĩnh vực rất lớn, nhiều chủng loại khác nhau và số lượng rất lớn.
Lĩnh vực này hiện nay ở Bộ Y tế giao cho Vụ kế hoạch Tài chính đang là đầu mối và Vụ trang và thiết bị công trình y tế theo dõi cùng. Công việc này liên quan nhiều tới chính sách sử dụng, bảo hiểm y tế, phân loại và công nghệ thông tin chia nhóm. Việc này lãnh đạo bộ đang chỉ đạo, Vụ kế hoạch tài chính là đầu mối để giải quyết.
Hiện nay về khung pháp lý đã có Nghị định số 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, đang trong giai đoạn triển khai và từng bước để quản lý chặt chẽ hơn. Sắp tới chúng tôi cũng đang trình Bộ Y tế để có đầu mối phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý cho hợp lý hơn - đó là ở phạm vi Bộ Y tế. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế, lãnh đạo các đơn vị mua sắm trang thiết bị y tế.
- Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ thẩm lậu thiết bị y tế cũ vào Việt Nam. Trong khi đó, thiết bị y tế đã qua sử dụng là mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Ông có thể cho biết, với những vụ việc này, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Sau một số vụ việc thẩm lậu thiết bị y tế cũ vào Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh lực lượng hải quan đã phát hiện ra. Về mặt chính sách, các quy định, chúng tôi đã làm rất chặt chẽ và việc này chấn chỉnh rất mạnh trong thời gian qua. Máy móc nhập khẩu nếu cho phép nhập khẩu thì chúng tôi xem xét và cấp phép.
Kẽ hở trong vấn đề quản lý ở đây không phải là ở Bộ Y tế mà là bên Hải quan (Bộ Tài chính). Chẳng hạn như việc phân luồng nọ luồng kia… Doanh nghiệp họ lợi dụng vào đó đóng thùng nọ thùng kia nhằm gian lận để chuyển hàng hóa từ mặt hàng này sang mặt hàng khác.
Thứ hai là hàng hóa chuyển quá cảnh, đó là sự lợi dụng của doanh nghiệp. Vấn đề là đầu mối bên nào là Hải quan phải trực tiếp kiểm tra giám sát. Bộ Y tế không ủng hộ chuyện đó. Qua công tác kiểm tra trong sự vụ thời gian vừa rồi, chúng tôi phải kiểm tra, rà soát lại và thấy doanh nghiệp đó không hề có tên trong danh sách cấp phép của Bộ Y tế.
Nhưng điều đáng lưu ý hơn đó là đơn vị cuối cùng tiếp nhận các thiết bị y tế là các bệnh viện. Đây là nơi tiếp nhận các thiết bị y tế đó và đưa vào sử dụng. Vì vậy, trách nhiệm chính của bệnh viện trong vấn đề mua sắm, vì họ là chủ đầu tư thì họ phải kiểm tra và biết chắc chắn máy đó là máy cũ hay máy mới, biết là hồ sơ đầy đủ hay không đầy đủ.
Với một thiết bị y tế còn có thời gian bàn giao chạy thử và nghiệm thu, tất cả những vấn đề đó phải nêu cao vai trò trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và bệnh viện.
Trong thời gian tới, chúng tôi đang báo cáo bộ trưởng để tăng cường nêu cao rõ vai trò, nhận thức, trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và đội ngũ cán bộ kỹ thuật quản lý trang thiết bị y tế trong bệnh viện và các cơ sở y tế.
Thứ hai là muốn sử dụng trang thiết bị y tế tốt thì phải kiểm tra lại máy được lưu kho lại xem là máy tốt nhưng người sử dụng máy đó có tốt không và phải xem máy đó có được thường xuyên quan tâm sửa chữa, bảo dưỡng phụ tùng vật tư hay không? Nhiều trường hợp thiết bị y tế chỉ thiếu một phụ tùng, vật tư nào đó mà phải để máy lưu kho thì cũng là lỗi của cơ sở. Bộ Y tế quản lý chung cả nước và Sở Y tế quản lý trên địa bàn có trách nhiệm quản lý hướng dẫn chỉ đạo, thanh kiểm tra chấn chỉnh.
Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần chấn chỉnh trong thời gian tới để đồng bộ từ khâu đấu thầu mua sắm, phải có quy định cụ thể để đến lúc xảy ra sự việc thì xác nhận lỗi xảy ra ở đâu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!