Bức tranh xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng tại Học viện Hoàng gia Anh vào năm 1770, năm Thomas Gainsborough vẽ và đặt tên là "A Portrait of a Young Gentleman" (Chân dung của một Quý ông trẻ). Từ năm 1798, bức vẽ được gọi là "The Blue Boy". Báo chí thời đó đã mô tả đây là “bức tranh đẹp nhất thế giới”.
Từng thuộc sở hữu của Công tước Westminster, "The Blue Boy" đã được ông trùm đường sắt người Mỹ Henry E Huntington mua cách đây một thế kỷ với giá kỷ lục thế giới ở thời điểm đó - 728.000 USD. Sau khi được Huntington mua lại, "The Blue Boy" đã được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia Anh như một phần của lời tạm biệt. Trong ba tuần, hơn 90.000 người đã đến để tạm biệt bức vẽ. Giám đốc phòng trưng bày vào thời điểm đó, Charles Holmes, đã tiếc nuối viết “au revoir” (Chào tạm biệt, tiếng Pháp) ở mặt sau với hy vọng bức tranh sẽ quay trở lại.
Từ đó đến nay, "The Blue Boy" được đặt tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Huntington ở San Marino, California.
Tác phẩm nghệ thuật này sẽ xuất hiện lại trước công chúng Anh Quốc sau 100 năm kể từ lần cuối được nhìn thấy ở Vương quốc này. "The Blue Boy" sẽ được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia của Anh từ 46 từ ngày 25/1 đến 15/5/2022. Ông Gabriele Finaldi, Giám đốc Phòng trưng bày Quốc gia của Anh, cho biết đây là cơ hội duy nhất để người dân Anh Quốc có thể chiêm ngưỡng tác phẩm của Gainsborough ở thời điểm phong độ tốt nhất của người họa sĩ. Ông Finaldi gọi "The Blue Boy" là “một bức tranh của sự đĩnh đạc và sang trọng tối cao… không nghi ngờ gì, đây là một kiệt tác của nghệ thuật Anh”.
The Blue Boy được vẽ vào khoảng năm 1770, mô tả một cậu bé có làn da trắng, má hồng và mái tóc nâu đang mặc bộ trang phục màu xanh da trời. Cậu chống một tay lên hông và tay kia cầm một chiếc mũ bằng lông đà điểu. |
Cách đây 100 năm, sự ra đi của bức vẽ đã vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng Anh Quốc. Trước khi Huntington được tiết lộ là người mua, tờ Guardian từng bày tỏ hy vọng rằng "The Blue Boy" sẽ tìm đường đến Pháp, vì trong khi các phòng trưng bày của Anh tràn ngập nghệ thuật Pháp, “có rất ít dấu hiệu cho thấy công chúng Pháp có hứng thú với nghệ thuật Anh”. Phóng viên của Guardian từng viết: “Sẽ là một điều tuyệt vời nếu The Blue Boy lọt vào bộ sưu tập quốc gia của Pháp."
Nhưng thay vào đó, "The Blue Boy" đã đến Hoa Kỳ, nơi công chúng đã thể hiện niềm yêu mến rõ ràng dành cho bức họa. "The Blue Boy" xuất hiện khá nhiều trong văn hóa đại chúng, bao gồm bộ phim "Batman" (1989) của Tim Burton, bức vẽ được treo trên bức tường của bảo tàng Gotham. Một bản sao cũng được treo trên tường căn hộ mẹ của Joker trong bộ phim cùng tên năm 2019. "The Blue Boy" cũng là nguồn cảm hứng cho trang phục hầu gái của Jamie Foxx trong bộ phim "Hành trình Django" (Django Unchained) của Quentin Tarantino, và từng xuất hiện trong văn phòng của nhân vật phản diện Vincent Ludwig trong phim "Họng súng vô hình" (The Naked Gun).