Phiên bán đấu giá thứ 161 của Seoul Auction, dự kiến diễn ra vào ngày 22/6, đã gây xôn xao trước đó là cuộc đấu giá đơn lẻ lớn nhất ở Hàn Quốc được tổ chức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Phiên này sẽ giới thiệu 204 tác phẩm với tổng giá trị ước tính là 23 tỷ won (20,3 triệu USD), tiếp theo là phiên bán đấu giá của K Auction vào ngày hôm sau, với 154 tác phẩm được định giá khoảng 13,5 tỷ won (11,9 triệu USD).
Đáng chú ý, mỗi nhà đấu giá sẽ giới thiệu một bức tranh sơn dầu vẽ năm 1954 của cố họa sĩ nổi tiếng Lee Jung-seob (1916 - 1956) có tên "Gia đình" trị giá khoảng 1,5 tỷ won trên Seoul Auction, và "Cá, quả lựu và gia đình," trị giá từ 650 triệu won đến 1,5 tỷ won trên K Auction.
Hai tác phẩm là hình dung về cuộc sống lý tưởng của vị họa sĩ trong nỗi khao khát tuyệt vọng được gặp lại vợ và hai con trai ở Nhật Bản, những người mà ông đã phải xa cách từ năm 1952 do Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Trong cảnh nghèo khổ, Lee Jung-seop vẫn tạo ra được các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, nhưng về mặt kinh tế, tranh của ông không đem lại một khoản thu nhập nào. Năm 1955, với quyết tâm tìm gặp lại gia đình, ông đã mở một triển lãm tranh cá nhân. Tuy cũng đạt được thành công, nhưng tranh của vị họa sĩ không được nhiều người trả giá đúng với giá trị thực, giấc mơ sang Nhật gặp gia đình đã tan thành mây khói. Bị tổn thương sâu sắc, một năm sau đó, họa sĩ Lee Jung-seop trở nên đau yếu, bị hành hạ bởi suy nhược thần kinh, thiếu dinh dưỡng, xơ gan và đã qua đời khi chỉ mới 40 tuổi. Năm 1957, thông qua cuộc triển lãm các tác phẩm chưa công bố của họa sĩ Lee Jung-seop, tên tuổi ông bắt đầu được xã hội chú ý và công nhận, ông trở thành họa sĩ Hàn Quốc đầu tiên được lưu danh tại Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại New York.
Việc xuất hiện đồng thời hai bức tranh của vị cố họa sĩ tại các cuộc đấu giá nghệ thuật hàng đầu năm 2021 là một điều hiếm gặp và gây nhiều bất ngờ thú vị cho công chúng.
Đối với cả hai nhà đấu giá Seoul Auction và K Auction, những bức tranh chấm (dot painting) của bậc thầy hội họa trừu tượng Hàn Quốc Kim Whan-ki (1913 - 1974), được sáng tác trong thời gian ông ở New York dự kiến sẽ bán được giá cao nhất.
Sau khi định cư ở New York vào năm 1963, họa sĩ Kim Whanki chủ yếu tập trung thể hiện phong cách nghệ thuật của mình thông qua các tác phẩm chủ đề về vũ trụ, hành tinh, âm thanh... Ông chuyển từ việc miêu tả các yếu tố tự nhiên và các họa tiết văn hóa Á Đông sang sử dụng các dấu chấm độc đáo tạo nên những kiệt tác trừu tượng mang màu sắc riêng. Giai đoạn mới bắt đầu, Kim Whanki dùng màu khá đa dạng từ đỏ, xanh lam, xanh lục nhưng dần dần tối giản hóa đi, chủ yếu là màu xanh xám hoặc đen xám, đánh dấu khả năng thể hiện màu đặc trưng được gọi bằng thuật ngữ “Whanki Blue”.
"4-XI-69 # 132" 1969 (trái) và "27-XI-71 # 211" 1971 của họa sĩ Kim Whan-ki. (Ảnh: K Auction/Seoul Auction) |
K Auction sẽ đưa ra bức "4-XI-69 # 132" (1969), ước tính trị giá từ 1,5 tỷ won đến 1,8 tỷ won. Đây được xem là một trong những bức tranh sớm nhất của vị cố họa sĩ về dòng tranh kỳ lạ này, phát triển dựa trên sự trừu tượng hóa hình học. Seoul Auction sẽ đưa ra bức tranh "27-XI-71 # 211", có biệt danh là "bức tranh chấm cầu vồng", được sáng tác năm 1971, định giá từ 3 tỷ won đến 4,5 tỷ won.
Những tác phẩm nổi bật khác của hai phiên đấu giá còn có "A Kernel of Wheat" (1983), một tác phẩm hiếm hoi còn sót lại của nữ họa sĩ phong cách phương Tây thế hệ đầu tiên của Hàn Quốc, Baek Nam-soon, được cung cấp bởi K Auction, và "Tower" của nghệ sĩ video Paik Nam-june "(2001), sẽ được giới thiệu tại Seoul Auction.