Cà phê “vị Ê-đê”
Nằm ở buôn Akô Dhông, một trong những buôn làng giàu nhất Tây Nguyên, quán cà phê Arul đem đến cho du khách những hình ảnh đặc trưng về nét văn hóa truyền thống của người Ê-đê.
Khát khao bảo tồn văn hóa dân tộc, bà H’len Niê đã biến ngôi nhà sàn của gia đình thành một không gian thi vị, độc đáo từ kết cấu nhà sàn cho đến các vật dụng sinh hoạt đời thường đặt rải rác đầy chất mỹ thuật như chiêng, ché, ghế K’pan, trống H’gor, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc... được gìn giữ nguyên bản. Yên tĩnh, nhẹ nhàng, vì thế Arul vài năm nay đã trở thành điểm hẹn ấn tượng giữa thủ phủ cà phê có tới hàng nghìn quán nhộn nhịp, hiện đại khác.
Mỗi cuối tuần, từ 7 giờ sáng, thường quán đã tấp nập khách ra vào, phần lớn là các đoàn khách du lịch trong, ngoài nước. Dù bận pha chế cà phê nhưng nếu khách từ xa đến có nhu cầu tìm hiểu văn hóa bản địa, bà H’len đều vui vẻ giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết, từ ý nghĩa hai chiếc cầu thang đực, cái, bắt lên nhà sàn cho đến bếp lửa truyền thống, các phong tục tập quán… Nhiều khách du lịch hào hứng thuê trang phục truyền thống, váy áo thổ cẩm để nhập vai trai, gái Ê-đê. Nhiều đôi lứa chọn nơi này làm không gian chụp ảnh cưới.
“Bảo tồn là để nhiều người biết đến văn hóa của mình chứ không phải để cất giữ cho riêng mình. Vì thế, chỉ cần bạn yêu văn hóa Ê-đê, muốn tham quan, tìm hiểu thì có thể chụp hình, sờ, ngắm các vật dụng trong nhà thoải mái mà không nhất thiết phải uống cà phê” - bà H’len Niê cởi mở khuyến khích.
Có bố là người Kinh, mẹ là người Ê-đê nhưng sống ở TP Hồ Chí Minh từ bé nên nữ sinh viên H’ Doan Êban (Đại học dân lập Văn Lang) không rành tiếng dân tộc mình. Vừa về thăm ông bà ngoại, cô được các anh chị dẫn đi uống cà phê ở Arul, được dạy tiếng đồng bào nên cô vui lắm. Cô hào hứng: Không gian gia đình giản dị, đời thường ở cà phê Arul đã đem đến cho em cảm giác ấm cúng, gần gũi. Đến đây em biết thêm nhiều phong tục, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Bà H’len tâm sự: Chưa bao giờ tôi thấy văn hóa dân tộc mình mai một nhanh đến thế. Những ngôi nhà dài truyền thống, buôn làng cổ dần biến mất. Tôi sợ rằng lớp trẻ sau này sẽ không được biết thế nào là ghế K’pan, trống H’gor… vì thế bằng mọi cách tôi sẽ lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với nhiều người bằng cách mở quán Arul.
Ngồi cạnh quan tài uống cà phê
Là dân ghiền loại phim rùng rợn song lần đầu tiên đến quán cà phê Ma (143 Hai Bà Trưng, thành phố Buôn Ma Thuột), anh Nguyễn Thanh Tài (21 tuổi, phường Tân Thành, Buôn Ma Thuột) vẫn “thấy đã” vì lâu lắm rồi mới được... sợ rợn tóc gáy.
Anh chia sẻ: Tôi thích cảm giác mạnh nên ban đêm thường tắt điện, bật đèn thờ rồi một mình một phòng thức cày phim ma. Xem miết thành quen nên chẳng còn bị tim đập, chân run như lúc đầu nữa. Nghe bạn bè giới thiệu quán cà phê mới, tôi đi cho thỏa tò mò, nào ngờ… khiếp thật. Ngồi cạnh chiếc quan tài trong căn phòng ma, xem phim ma, nghe kể chuyện ma thì đúng chất ma rồi.
Bên trong cà phê Bus.
Chủ nhân của quán cà phê độc đáo này là anh Hà Phương Anh (29 tuổi). Không sợ ma nhưng thích xem loại phim này, nên từ lâu anh đã ấp ủ ý tưởng xây dựng một không gian riêng để những người có cùng đam mê hội tụ.
Cà phê Ma được thiết kế như điện Diêm La gồm các khu: Hè phố, sân thượng, phòng tập thể nghe chuyện ma và phòng chiếu phim. Các khu được ngăn với nhau bằng những tấm vải xô trắng hoặc cột tre, trúc giăng đầy mạng nhện hay xương xẩu.
Những hình nhân, quan tài, đầu lâu, bia mộ, rắn rết, bọ cạp, nhện... tạo nên một “thế giới bên kia” u uất, cô hồn cùng thứ âm thanh chết chóc rùng rợn khiến những người gan dạ nhất bước vào quán cũng phải hú hồn khi vô tình đụng phải hình thù kỳ dị, bàn tay bàn chân đầy máu đung đưa ngay trước mặt. Không chỉ vậy, bàn uống nước trong quán được mô phỏng theo hình quan tài, có “xác chết” bên trong, ly uống là những đầu lâu xấu xí.
Dù khá “ghê” nhưng quán lại thu hút nhiều người trẻ tìm đến. Em Nguyễn Mai An (học sinh trường THPT Lê Quý Đôn) cho biết: Em nhút nhát và rất sợ ma. Trước đây em ít khi dám ra đường ban đêm nếu không có người đi cùng. Nghe bạn bè kể, tò mò nên em đi thử cho biết. Hôm đầu đến, em sợ quá không dám uống nước luôn, nhưng giờ quen rồi, ban đêm ra đường cũng “bản lĩnh” hơn.
Để cà phê Ma luôn mới lạ và là sân chơi của giới trẻ, anh Hà Phương Anh cho biết: Không chỉ chuyên chiếu phim ma, kể chuyện ma kinh dị mà quán còn thường xuyên tổ chức trò chơi có thưởng về hóa trang và làm hình nhân theo mẫu. Kết quả sẽ do khách trong quán bình chọn, người chiến thắng sẽ được uống cà phê miễn phí, ký tên mình lên sản phẩm và được quán mua lại hình nhân đó để làm bàn đặt tại quán. Khách đến quán nếu có nhu cầu hóa trang sẽ được mượn những bộ trang phục “chỉ âm ti địa phủ mới có” để chụp hình. Theo chủ quán tiết lộ, cuối tuần trước mới có đôi bạn trẻ đến liên hệ mượn không gian và trang phục để chụp ảnh cưới.
Mới lạ, hấp dẫn nhưng giá cả ở cà phê Ma khá bình dân, chỉ từ 10 - 30 nghìn đồng/đồ uống.
Cà phê xe bus
Không mất quá nhiều tiền đầu tư nhưng quán cà phê Bus (đường Nguyễn Sơn, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) là nơi giới trẻ tìm đến.
Bus Coffee là quán cà phê xe buýt đầu tiên ở Buôn Ma Thuột. Trong khuôn viên hơn 200m2, Bus được thiết kế theo mô hình của một trạm xe buýt hiện đại, với căn tin, nhà chờ, đèn tín hiệu, vạch kẻ giao thông. Điểm nhấn và hình ảnh chủ đạo là chiếc xe bus đặt ở vị trí trung tâm. Hai bên được thiết kế hai khu trạm chờ và là nơi đặt những bộ bàn ghế cho khách uống cà phê.
Cà phê Ma thu hút khách.
Chị Phan Nguyễn Hoài Thu, chủ quán Bus Coffee cho biết: Ở Hà Nội và Sài Gòn đã có một vài quán cà phê theo phong cách xe buýt nhưng còn khá đơn điệu. Tôi có ý tưởng đầu tư một quán cà phê buýt hoàn chỉnh, để bất kỳ ai đến đây cũng có thể cảm nhận mình đang ở một bến xe buýt thực sự.
Để có chiếc xe buýt ưng ý, chị Thu đi tìm kiếm ở nhiều tỉnh thành và cuối cùng chọn được từ một đại lý phế liệu ở Đắk Nông. Sau đó tút lại kỹ càng theo hướng “đổi mới nhưng không đổi màu”. Hai cửa ra vào trên xe được giữ nguyên bản, là nơi để “hành khách” và bồi bàn phục vụ lên xuống. Ghế tài, vô lăng cũng được giữ nguyên, chỉ thay ghế ngồi trên xe bằng bàn và ghế gỗ nhỏ xinh để khách ngồi uống cà phê.
Vì lấy ý tưởng xe buýt làm chủ đạo nên nhiều vật dụng trong quán cũng là những bộ phận của xe như: Bàn uống cà phê ở hai bên xe buýt được tái chế từ lốp xe cũ. Chiếc vỏ của đầu xe buýt bị hư được đính vào tường để treo hoa và các đồ trang trí. Ngoài ra còn những đồ vật tái chế để trang trí khác như hũ đựng gia vị cũ để bọc bóng đèn, chiếc loa cũ, đèn dầu… Để thu hút các bạn trẻ, chị Thu cũng tìm tòi học hỏi các đồ uống lạ được giới trẻ yêu thích hiện nay cà phê trứng, yaourt phô mai…
Bạn Lê Anh Tài (sinh viên CĐSP Đắk Lắk) chia sẻ: Xe “không nhồi nhét khách”, nên được lên xe là cả một vấn đề. Thông thường khách sẽ phải ngồi ở nhà chờ hoặc vào căn tin vài lần mới được trải nghiệm cảm giác Bus cà phê. Chính sự quen thuộc, gần gũi như đang trên một chuyến xe chuẩn bị xuất phát khiến chúng em rất hào hứng.