Ngày 8/7/2020, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chính thức ra mắt “Báo cáo toàn cầu về Đổi mới Sáng tạo trong Báo chí 2020-2021” bằng tiếng Việt – cuốn cẩm nang hữu ích dành cho các lãnh đạo, quản lý, các phóng viên, biên tập viên, cũng như những người làm truyền thông doanh nghiệp để thích ứng với môi trường báo chí đang thay đổi nhanh chóng.
Trước sự bùng nổ của truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội, lĩnh vực báo chí những năm gần đây liên tục rơi vào đà suy giảm, từ số lượng bạn đọc, doanh thu, thậm chí cả niềm tin của độc giả. Đại dịch COVID-19 như một cú giáng mạnh nữa đối với nhiều cơ quan báo chí đã vốn đã chịu khó khăn chồng chất. Nhiều tờ báo ở nước ngoài đã phải cắt giảm nhân sự, cho nhà báo nghỉ không lương, thực hiện sáp nhập, đình bản tạm thời hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
Để tồn tại và hoạt động hiệu quả, các cơ quan báo chí trên thế giới đã xoay xở nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng và đa dạng nguồn thu nhằm tiếp tục sứ mệnh cung cấp cho công chúng những thông tin đáng tin cậy, cân bằng, góp phần tạo dựng xã hội văn minh và tiến bộ.
“Báo cáo toàn cầu về Đổi mới Sáng tạo trong Báo chí 2020-2021” phiên bản tiếng Việt của TTXVN |
TTXVN tiếp tục xuất bản “Báo cáo toàn cầu về Đổi mới Sáng tạo trong Báo chí” với mục tiêu mang đến nguồn nội dung chuyên môn tham khảo đáng tin cậy cho các tòa soạn, biên tập viên, các phóng viên cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông doanh nghiệp tại Việt Nam về những tư duy mới, cách làm mới trong các tổ chức báo chí chính thống, có uy tín trên thế giới. Đây là báo cáo lần thứ 3 được TTXVN mua bản quyền xuất bản tại Việt Nam trong tổng số 11 báo cáo cho tới nay của Mạng lưới truyền thông toàn cầu FIPP (trụ sở tại Anh) và công ty Innovation Media Consulting Group (trụ sở tại Tây Ban Nha).
Năm nay, báo cáo được trình bày theo cách hoàn toàn khác: dành hẳn một chương để phân tích về khía cạnh nhân sự trong báo chí - một lĩnh vực mà chúng ta hay nói là rất quan trọng nhưng ít khi đề cập tới. Báo cáo đưa ra phân tích tổng thể về nhân sự trong báo chí, các công cụ để tìm được tài năng, tuyển dụng, và giữ được họ trong tổ chức.
Làm thế nào để kiếm tiền luôn là vấn đề đau đầu với các cơ quan báo chí trong thời gian qua, và ấn phẩm lần này phân tích 13 mô hình kinh doanh giúp cải thiện doanh thu của các cơ quan báo chí, từ mô hình thu phí, mô hình hội viên, nhượng quyền thương hiệu cho đến cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, môi giới dữ liệu, đầu tư, v,v…
Báo cáo còn có nội dung rất sâu về podcast - nỗ lực mới nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu của các cơ quan báo chí và đang bước đầu chứng minh hiệu quả.
Bên cạnh đó, với lập luận rằng các thông tin về phát triển bền vững trên báo chí chỉ có hiệu quả thực sự khi chính các cơ quan báo chí phải thực thi các chính sách phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, báo cáo cũng trình bày cách làm mới và hiệu quả của những tổ chức báo chí hàng đầu, giúp họ trở thành những ví dụ hoàn hảo tiên phong trong lĩnh vực này.
Báo cáo cũng đi sâu vào phân tích những cách làm sáng tạo trong các tổ chức báo chí, từ các tổ chức chuyên hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, phát thanh truyền hình, tới những tổ chức có sản phẩm chính là báo in.