Cụ thể, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định rằng các nước giàu đang tích trữ vaccine, trong khi các nước nghèo phải chờ đợi mòn mỏi cho những liều đầu tiên.
"Giờ đây, họ nói về những mũi tiêm tăng cường, trong khi các nước đang phát triển đang phải cân nhắc tới việc chia nhỏ các liều vaccine. Điều này đi ngược lại niềm tin và đáng bị lên án vì nó là một hành động ích kỷ không thể biện minh về mặt lý trí và đạo đức", ông Duterte tuyên bố.
Khoảng 35% những người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine đến từ các quốc gia có thu nhập cao và ít nhất 28% đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia đang phát triển, như Haiti và Cộng hòa Dân chủ Congo, chỉ dưới 1%.
Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo cho biết lục địa châu Phi đang hứng gánh nặng tồi tệ nhất của chủ nghĩa dân tộc vaccine. Khoảng 900 triệu người dân châu Phi vẫn đang cần vaccine để đạt tỷ lệ tiêm chủng 70%.
Trong khi đó, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết vaccine cần phải được phân phối công bằng để tránh tạo ra các biến thể mới, đáng sợ hơn của SARS-CoV-2.
"Nếu tiếp tục trì hoãn quá trình phân phối công bằng vaccine, nhân loại sẽ có nguy cơ đối mặt với các biến thể mới ở mức độ dữ dội hơn. Miễn dịch toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết, vì vậy việc tích trữ vaccine là không thể chấp nhận", ông Duque cho biết.
Trong bài phát biểu trước các lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại mục tiêu của Bắc Kinh là cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới vào cuối năm nay.
Tổng thống Peru Pedro Castillo đề xuất một thỏa thuận quốc tế giữa các nguyên thủ quốc gia và chủ sở hữu bằng sáng chế vaccine "để đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến."
"Cuộc chiến chống lại đại dịch đã cho chúng ta thấy sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc hợp tác theo nguyên tắc đoàn kết", ông Castillo chỉ ra.