Theo hai quan chức Nhà Trắng, cam kết mới nhất của Tổng thống Joe Biden sẽ nâng tổng số vaccine mà nước Mỹ hứa cung cấp cho thế giới lên 1,1 tỷ liều cho đến năm 2022. Ít nhất 160 triệu liều vaccine do Mỹ đóng góp đã được được phân phối đến hơn 100 quốc gia.
Tuy nhiên, số lượng vaccine mà Mỹ cam kết mua thêm vẫn chưa đủ để đảm bảo đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu và 70% công dân của mỗi quốc gia.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 sắp tới để thúc ép các quốc gia khác “cam kết đạt mức tham vọng cao hơn” trong kế hoạch chia sẻ vaccine của họ.
Cụ thể, chính quyền Washington sẽ công khai các mục tiêu cho các quốc gia phát triển và các tổ chức phi lợi nhuận sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.
Không phải quốc gia nào cũng hài lòng trước "sự hào phóng" của Tổng thống Joe Biden, nhất là khi chính phủ Mỹ đã ủng hộ việc tiêm vaccine tăng cường cho hàng chục triệu người Mỹ, trong khi người dân tại các nước nghèo vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
“Chúng ta đã quan sát thấy những thất bại của chủ nghĩa đa phương để phản ứng một cách công bằng, phối hợp trong những thời điểm gay gắt nhất. Những khoảng cách hiện có giữa các quốc gia liên quan đến quá trình tiêm chủng là chưa từng thấy”, Tổng thống Colombia Iván Duque phát biểu tại Liên Hợp Quốc (LHQ).
Hơn 5,9 tỷ liều COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu trong năm qua, chiếm khoảng 43% dân số toàn cầu. Nhưng có sự chênh lệch lớn về phân bố, khi nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang phải vật lộn để kiếm vaccine cho người dân, một số nước thậm chí chưa vượt qua tỷ lệ tiêm chủng cho 2-3% dân số.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chỉ 15% số lượng vaccine được các nước phát triển hứa tặng đã được chuyển giao. Cơ quan y tế của LHQ cho biết họ muốn các quốc gia thực hiện cam kết chia sẻ "ngay lập tức" và cung cấp vaccine cho các quốc gia ơ châu Á và châu Phi.
WHO cũng kêu gọi các hãng dược ưu tiên sử dụng cơ chế chia sẻ vaccine COVAX và công khai lịch cung ứng của họ. Tổ chức này cũng kêu gọi các nước giàu nên nhường vaccine cho người dân tại các nước nghèo thay vì triển khai chiến dịch tiêm chủng mũi thứ ba.