Trước cuộc cách mạng vũ bão trên quy mô toàn cầu này, có một nguy cơ hiện hữu nhưng ít được nhắc tới, đó là các nước nghèo, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực châu Phi, có thể sẽ bị bỏ lại phía sau và vĩnh viễn không thể đuổi kịp những phần còn lại của thế giới.
800 triệu việc làm mất đi trên toàn thế giới
Đầu năm 2018, Nedbank - một trong những ngân hàng lớn nhất ở Nam Phi, công bố kế hoạch cắt giảm 3.000 việc làm, tức là gần 10% số nhân sự của ngân hàng này. Đây là hệ quả trực tiếp của việc Nedbank ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo vào dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Các nghiệp đoàn phản ứng dữ dội trước quyết định của Nedbank. Hội nhân viên Ngân hàng Nam Phi (Sasbo) - nghiệp đoàn đại diện cho 70.000 người lao động trong lĩnh vực tài chính ở Nam Phi, lên án quyết định của Nedbank sẽ gây ra “những hoang mang và xáo trộn lớn”. Nghiệp đoàn khẳng định trong bối cảnh Nam Phi đang trải qua một cuộc “đại suy thoái” trên thị trường việc làm, đất nước này không thể đối phó được hơn nữa với các biến động như vậy.
Trước cuộc cách mạng vũ bão trên quy mô toàn cầu này, có một nguy cơ hiện hữu nhưng ít được nhắc tới, đó là các nước nghèo, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực châu Phi, có thể sẽ bị bỏ lại phía sau và vĩnh viễn không thể đuổi kịp những phần còn lại của thế giới.
Đây là một thực trạng đang diễn ra tại khắp nơi khi thế giới đang thần tốc tiến vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo báo cáo mới công bố của tổ chức tư vấn có tên Viện McKinsey Toàn cầu, khoảng 800 triệu người lao động trên thế giới sẽ mất việc làm vào năm 2030 và được thay thế bằng tự động hóa. Nghiên cứu tiến hành tại 46 quốc gia trên 800 ngành nghề cho thấy có tới 20% lực lượng lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi xu thế này.
Đáng quan tâm hơn nữa, hệ lụy này không chia đều cho các quốc gia, các cộng đồng dân cư trên thế giới. Công nghệ robot, in 3D, tự động hóa, Internet kết nối vạn vật và các công nghệ liên quan sẽ thay đổi cách nền kinh tế vận hành chỉ trong hai thập kỷ tới. Nhưng những tiến bộ mà các công nghệ này mang lại cũng sẽ khiến lực lượng lao động mất cân bằng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp phổ biến tại những quốc gia và những cộng đồng có khả năng thích ứng kém. Nhiều người lao động trình độ thấp sẽ không có việc làm, dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng sẽ lấy đi của một số nước đang phát triển cơ hội tận dụng lợi thế lao động giá rẻ làm động lực phát triển kinh tế. Theo nghiên cứu của Viện Phát triển Quốc tế ODI, trong vòng chưa đầy 20 năm tới, chi phí vận hành robot tại các nhà máy đặt ở Mỹ sẽ thấp hơn chi phí sử dụng người lao động ở các nước châu Phi. Công nghệ tự đông hóa đang ngày một rẻ hơn, dẫn đến những dự báo rằng các doanh nghiệp sẽ chuyển hoạt động sản xuất của mình về các nền kinh tế phát triển thay vì đặt nhà máy tại các nước đang phát triển như hiện nay. Cụ thể, vào năm 2034, chi phí vận hành robot và máy in 3D ở Mỹ sẽ rẻ hơn lương người lao động ở Kenya. Còn tại Ethiopia, điều này sẽ diễn ra vào khoảng từ năm 2038 đến 2042.
Nhiều nghiên cứu có giá trị khác củng cố những luận điểm này. Một báo cáo chính sách tại một Hội thảo về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc thậm trí còn đưa ra con số đáng lo ngại hơn: Khoảng hai phần ba số việc làm tại các nước đang phát triển sẽ mất đi trong Cách mạng Công nghiệp 4.0. Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2016 nhận định hơn 50% số việc làm ở châu Phi bị đe dọa bởi công nghệ tự động hóa, với Ethiopia là nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tỉ lệ việc làm mất đi có thể lên tới 85%.
Châu Phi trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau
Trong số các nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi là những nước chưa được chuẩn bị sẵn sàng nhất cho Cách mạng Cộng nghiệp 4.0. Theo báo cáo mới đây của Citibank kết hợp với Đại học Oxford, ảnh hưởng của công nghệ lên thị trường lao động toàn cầu sẽ đào sâu hơn nữa sự bất bình đẳng hiện hữu giữa một bên là châu Phi, một lên là các thị trường công nghiệp và thị trường mới nổi của thế giới.
Châu Phi hiện tại không chỉ có cơ sở hạ tầng nghèo nàn vào bậc nhất thế giới, một lực lượng lao động trình độ thấp chiếm đa số, nền giáo dục tụt hậu trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ mà còn có tư duy quản lý xã hội lạc hậu so với những phần còn lại của thế giới. Nền kinh tế châu lục này phần nhiều dựa vào nguồn tài nguyên mà thiên nhiên từng hào phóng bạn tặng: năng lượng và khoáng sản. Tuy nhiên, những tài nguyên này có thể cũng không còn nhiều vài trò trong tương lai trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra rất nhiều vật liệu và năng lượng thay thế.
Mô hình phát triển của các nước châu Phi phần lớn dựa vào thu hút đầu tư nhờ nguồn lao động trình độ thấp, giá rẻ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi ngành sản xuất chế tạo toàn cầu ngày một được số hóa. Ngay cả ngành nông nghiệp - ngành châu Phi có lợi thế nhất nhờ nguồn tài nguyên đất đai và lao động trình độ thấp dồi dào, cũng đang bị đe dọa. Trong tương lai gần, những lĩnh vực nông nghiệp phổ biến như trồng trọt, chăn nuôi và ngư nghiệp cũng đang đứng trước triển vọng được robot hóa.
Bên cạnh triển vọng u tối đối với thị trường việc làm, thách thức với châu Phi trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn là sự tập trung hóa hơn nữa của cải và quyền lực kinh tế trong nước và trên thế giới, sự thiên lệch trong xu hướng phát triển các công nghệ mới. Đây là những vấn đề toàn cầu lớn nhưng chưa được các chính phủ ở châu Phi cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác chưa quan tâm đúng mức.
Rất nhiều quốc gia đang phát triển - các nước châu Phi là những ví dụ điển hình, có khoảng cách giàu nghèo trong xã hội cao ở mức báo động. Tại những quốc gia này, giới tinh hoa sẽ có cơ hội tiếp cận với trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nhiều hơn, dẫn đến gia tăng hiệu quả công việc và đào sâu hơn nữa khoảng cách với phần còn lại của cộng đồng. Một hiệu ứng tương tự đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu, như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định trí tuệ nhân tạo AI sẽ là một trận địa mới nơi các quốc gia cạnh tranh với nhau.
Công nghệ mới không chỉ giúp giới tinh hoa tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, nó còn dẫn đến việc sản sinh những mô hình kinh doanh mới có khả năng kiểm soát, chi phối các lĩnh vực sản xuất và triệt tiêu sự cạnh tranh. Một ví dụ: một công ty lớn có tiềm lực có thể kiểm soát một đội xe tự lái khổng lồ, đe dọa đến ngành nghề taxi của cả một khu vực.
Sự thiên lệch trong xu hướng phát triển công nghệ cũng là một điều đáng bàn. Hiện tại, các thuật toán AI - trung tâm của Cách mạng Cộng nghiệp 4.0, được phát triển theo xu hướng phục vụ quyền lợi những ai tạo ra chúng. Điều này vô hình trung làm phát sinh sự phân biệt đối xử về chủng tộc, giới tính, quốc gia… Một ví dụ điển hình là công nghệ nhận diện giọng nói thường chỉ vận hành tốt với những cách phát âm nhất định và gặp khó khăn trước thổ âm, thổ ngữ. Do các thuật toán AI được phát triển chủ yếu ở các nước công nghiệp hiện đại, chúng cũng sẽ không đáp ứng đúng nhu cầu và những ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển, dẫn đến việc những nước nghèo có thể bị bỏ lại phía sau nếu thế giới không có những nỗ lực chung để có những điều chỉnh kịp thời.
Các chính phủ cần hành động
Những nguy cơ mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể mang tới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, đòi hỏi toàn xã hội, bao gồm giới doanh nghiệp, giới học thuật và các tổ chức dân sự phải tham gia giải quyết. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính thuộc về các chính phủ. Họ cần nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng, đánh giá nguy cơ đối với quốc gia của mình và đưa ra những chính sách để hóa giải.
Với châu Phi, một yêu cầu hàng đầu đặt ra là phải phát triển hạ tầng theo hướng thông minh, tạo xúc tác phát triển và cần đi tắt đón đầu các công nghệ mới. Bên cạnh đó, nền giáo dục lạc hậu, cổ hủ hiện tại cần được thay đổi toàn diện để có thể trang bị cho các lớp công dân mới những kỹ năng cần thiết để sinh tồn và phát triển trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Để đạt được điều này, toàn xã hội châu Phi trước tiên phải “tái lập trình” bộ máy tư duy lạc hậu “tiền kỹ thuật số” của mình để có thể tạo ra ý tưởng mới, cách làm mới và những chính sách mới để giải quyết những thách thức mà châu lục đang đối mặt.
Trong số các nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi là những nước chưa được chuẩn bị sẵn sàng nhất cho Cách mạng Cộng nghiệp 4.0. Theo báo cáo mới đây của Citibank kết hợp với Đại học Oxford, ảnh hưởng của công nghệ lên thị trường lao động toàn cầu sẽ đào sâu hơn nữa sự bất bình đẳng hiện hữu giữa một bên là châu Phi, một lên là các thị trường công nghiệp và thị trường mới nổi của thế giới.