Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM, cho biết trong 7 ngày Tết, khoa Cấp cứu tiếp nhận trên 500 ca bệnh. Trong đó, phần lớn bệnh nhân là người già mắc bệnh viêm phổi.
Theo PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược, khi thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hay quá lạnh, người già dễ mắc bệnh viêm phổi.
Triệu chứng viêm phổi ở người già thường có diễn biến phức tạp, khi bệnh biến chứng nặng gây khó khăn cho việc điều trị và có thể dẫn đến tử vong.
Theo BSCKI Nguyễn Viết Hậu, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược, tình trạng viêm phổi ở người lớn tuổi thường không có dấu hiệu sốt, ho, nhiễm trùng mà biểu hiện như cảm cúm thông thường nên nhiều người bệnh chủ quan.
Để phòng bệnh viêm phổi cũng như các chứng bệnh khác, bác sĩ Dũng khuyên người lớn tuổi cần sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.
Ngoài ra, người trên 65 tuổi cần tiêm phòng vắc xin cúm hoặc phế cầu để dự phòng bệnh viêm phổi, các chứng viêm nhiễm đường hô hấp cũng như kiểm soát các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, tiểu đường.
Khi trời lạnh, người lớn tuổi không nên để bếp lò sưởi ấm trong nhà dễ gây viêm phổi. Về mùa hè, các gia đình nên để điều hòa ở 20-22 độ C, không nên để thấp quá gây chênh lệch môi trường bên ngoài dễ dẫn tới viêm họng, viêm phổi và đột quỵ.
Để phòng bệnh, người già cần uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, khử sạch vi khuẩn, virus là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn.