Căng thẳng cuộc đua vào lớp 10

(Ngày Nay) - Ngày mai 16/7, hơn 85.000 học sinh lớp 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi vào lớp 10. Sau đó ngày 17/7, hơn 88.000 học sinh của Hà Nội cũng sẽ có cuộc thi tương tự. Khi chỉ tiêu vào các trường công lập có hạn, chỉ đáp ứng được nhu cầu của khoảng 62% thí sinh, tuyển sinh vào lớp 10 trường công thậm chí được phụ huynh đánh giá là khốc liệt còn hơn kỳ thi đại học.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số thí sinh tăng, chỉ tiêu lại giảm

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển lớp 10 là trên 85.000 em, tăng gần 4.400 em so với năm 2019 (năm 2019 có 80.616 thí sinh). Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 lại giảm so với 2019. Nếu năm 2019, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập của Thành phố Hồ Chí Minh là gần 63.700 chỉ tiêu thì năm nay, con số này chỉ còn gần 62.500 em, giảm đến 1.200 chỉ tiêu.

Tương tự, tại Hà Nội, năm nay có 88.928 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, tăng 3.055 em so với số 85.873 thí sinh đăng ký dự thi của năm 2019, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh lại giảm gần 1.000 em, từ 64.110 chỉ tiêu (năm 2019) xuống 63.090 chỉ tiêu.

Số lượng thí sinh tăng trong khi quy mô tuyển sinh giảm đã khiến cho tỷ lệ cạnh tranh tăng lên, cuộc đua vào lớp 10 vì thế càng quyết liệt, căng thẳng hơn. Tỷ lệ chọi ở các trường công, nhất là các trường tốp đầu đều ở mức cao. Dù các địa phương đều cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng vào các trường một lần, tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, tỷ lệ cạnh tranh của thí sinh là không thay đổi.

Tại Hà Nội, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng một vào các trường tốp đầu đều tăng khoảng 15% so với năm trước. Trường có tỷ lệ chọi cao nhất (theo đăng ký nguyện vọng ban đầu của thí sinh) là Trung học phổ thông Chu Văn An với mức 1 chọi 3,4. Xếp vị trí số hai là trường Trung học phổ thông Kim Liên với tỷ lệ chọi 1/2,6. Tiếp đó là Trung học phổ thông Nhân Chính và Yên Hòa với tỷ lệ chọi 1/2,3; Trung học phổ thông Sơn Tây hệ thường tỷ lệ chọi 1/2,1; Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai có tỷ lệ chọi 1/1,9.

Thậm chí, các trường Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Kim Liên năm nay số chỉ tiêu được giao giảm khoảng 100 học sinh nhưng số đăng ký nguyện vọng một vào trường lại tăng so với các năm trước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ chọi vào các trường thậm chí còn cao hơn khá nhiều so với Hà Nội. Dẫn đầu về sức cạnh tranh là trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền với tỷ lệ chọi lên đến 1/4,4, tiếp đó là Trung học phổ thông Gia Định với tỷ lệ chọi 1/3,18. Các trường khác cũng có tỷ lệ chọi rất cao như Trung học Thực hành Đại học Sư phạm (1/2,79), Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (1/2,55), Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (1/2,32), Trung học thực hành Sài Gòn (1/2,25)...

Con lo một, cha mẹ lo mười

Để chuẩn bị cho kỳ thi, hầu hết thí sinh đều phải căng sức nỗ lực ngày đêm, sáng học chính khóa ở trường, chiều tăng ca, tối đi học thêm. Phan Thị Ý Nhi, học sinh Trường Trung học cơ sở Phương Mai chia sẻ, em học kiến thức chính ở trường, luyện ở nhà và đến các trung tâm luyện thi để kiến thức thấm hơn nữa. “Bạn nào cũng căng thẳng nhưng để đạt được nguyện vọng thì chúng em đều đặt việc học lên trên hết. Tối học đến khuya, sáng phải dậy sớm để học tiếp cũng có chút mệt mỏi nhưng vì mục tiêu nên em cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất”, Nhi nói.

Nỗ lực ngày đêm cũng là chia sẻ của em Đặng Linh Chi, học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội). Đăng ký dự tuyển vào Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, một trường có điểm chuẩn đầu vào các năm khá cao, tỷ lệ chọi lớn, Chi cho biết lịch học của em khá căng thẳng. “Ai cũng lo lắng. Từ đầu năm lớp 9 em đã phải cố gắng nhiều. Ban ngày học ở trường, tối em đến trung tâm, có những hôm về muộn hoặc hôm sau có bài kiểm tra thì em phải thức đêm nữa”, Linh cho hay.

Không chỉ thí sinh, với các phụ huynh, áp lực cũng rất lớn. Có con năm nay dự thi vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, chị lo lắng suốt mấy tháng nay. “Nếu con không đỗ đại học có thể học cao đẳng, học nghề, nhưng không đỗ lớp 10 trường công thì không biết học gì. Trường tư thì mẹ không đủ khả năng tài chính, còn cho đi học nghề ngay từ tuổi này tôi lại thấy thương con”, chị Hương chia sẻ. Vì thế, chị Hương bảo, mình thậm chí còn lo lắng, sốt ruột hơn cả con. “Hội phụ huynh chúng tôi ngày nào cũng trao đổi thông tin. Mai con đi thi, mẹ ở ngoài cũng như ngồi trên đống lửa. Con lo một, mẹ lo gấp mười lần”, chị Hương nói.

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.