Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nói sau khi tham khảo với các bên liên quan và các cơ quan chính phủ, ông quyết định rằng vấn đề này đáng mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng.
"Hoa Kỳ thiệt thòi quá nhiều"
Tổng thống Trump và các thành viên nhóm cố vấn kinh tế của ông từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại gây phương hại đến các doanh nghiệp Mỹ, từ việc nhập khẩu thép quá mức đến việc đánh cắp sở hữu trí tuệ. Tổng thống Trump ngày 14/8 vừa ký văn kiện cho phép điều tra nạn Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và tuyên bố rằng đây là ‘một bước lớn.’
Ông Robert Lighthizer là tiếng nói chỉ trích lâu nay rằng Mỹ thiệt thòi quá nhiều trước những chính sách thương mại lạm dụng của Trung Quốc, để thâm thủng mậu dịch và khiến cho các công xưởng Mỹ phải đóng cửa.
Cuộc điều tra thương mại sắp tới đối với Trung Quốc có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 14/8, khi được hỏi về động thái trên của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh bất cứ thành viên nào của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng phải đều tôn trọng các luật lệ của WTO.
Bà Hoa Xuân Oánh nói nếu chiến tranh thương mại xảy ra, “sẽ không có người chiến thắng và mọi người sẽ đều thua cuộc”. Bà cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên tiếp tục hợp tác vì sự phát triển lành mạnh và ổn định trong mối quan hệ thương mại và kinh tế Trung-Mỹ.
Bà Hoa Xuân Oánh cũng phản đối gắn việc điều tra thương mại với vấn đề Triều Tiên: “Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề thương mại Trung-Mỹ hoàn toàn khác nhau và sẽ không hợp lý nếu sử dụng vấn đề này để làm công cụ gây sức ép cho vấn đề kia”. Chính các quan chức Mỹ cũng thừa nhận, vấn đề Triều Tiên và cuộc điều tra thương mại nhằm vào Trung Quốc không liên quan với nhau.
Tờ China Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCS Trung Quốc cảnh báo Tổng thống Donald Trump “có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại” nếu xúc tiến kế hoạch. Dẫn lời một chuyên gia thuộc Viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc, tờ báo dự đoán quyết định trên có thể “phá hủy quan hệ Mỹ-Trung một cách toàn diện”.
Trước đó, các tờ báo khác ở Trung Quốc đều nói về việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh điều tra cách làm ăn ‘không công bằng’ của Trung Quốc, có thể đầu độc các quan hệ song phương. Giận dữ hơn, tờ Thời báo Hoàn Cầu lại đề xuất Bắc Kinh nên kiện Mỹ về tội bảo hộ mậu dịch trong trường hợp chủ nhân Nhà Trắng ra lệnh điều tra Trung Quốc.
Ông Jacob Parker, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung cho biết, thông báo của ông Donald Trump mới chỉ là sự bắt đầu. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ có một năm để xem xét liệu có nên mở cuộc điều tra chính thức về chính sách của Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ hay không. Tuy nhiên, ông Jacob Parker dự kiến quyết định sẽ được đưa ra trong 60 đến 90 ngày thay vì một năm, có nghĩa là quá trình sẽ được thúc đẩy nhanh chóng.
Liệu Tổng thống Trump có ngăn nổi Trung Quốc?
Vấn đề liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị cáo buộc của Trung Quốc từ lâu đã trở thành cái gai đối với các giới chức Mỹ. Giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump ước tính hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại đến 600 tỷ USD mỗi năm. Phòng Thương mại Mỹ cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cần chấm dứt tình trạng cưỡng ép nước ngoài chuyển giao công nghệ và chuyển sang tôn trọng, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ của đối tác. Trong khi đó, Nhà Trắng và các tổ chức doanh nghiệp Mỹ cho biết, hoạt động vi phạm bản quyền của Trung Quốc đang đe dọa các công ty và việc làm tại Mỹ.
Phản ứng về động thái trên của Tổng thống Donald Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ có động thái bảo vệ lợi ích nếu Mỹ làm tổn hại quan hệ thương mại hai nước. Trung Quốc cảnh báo Mỹ nên trân trọng sự hợp tác giữa hai nước và mọi hành động phá hoại sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên. Trong một thông báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng Mỹ nên tôn trọng các sự thật khách quan, hành động thận trọng, tuân thủ các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và không hủy hoại các nguyên tắc đa phương. Trung Quốc còn nhấn mạnh nước này vẫn đang củng cố chính sách quản trị và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, động thái của Tổng thống Donald Trump cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang theo đuổi một chính sách mới và điều đó khiến ông phải tái phân tích vấn đề thương mại. Các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ mà nhà lãnh đạo này đang theo đuổi đều nhằm đạt được các lợi ích cụ thể cho nền kinh tế Mỹ.
Nhìn vào cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với Canada, Mexico, châu Âu hay với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể thấy Mỹ đang theo đuổi một chính sách của cái gọi là “chủ nghĩa bảo hộ thương mại”. Hơn nữa, trong bối cảnh đang phải đối mặt với một loạt vấn đề đối nội phức tạp, Tổng thống Donald Trump thông qua động thái nghiêm khắc với Bắc Kinh muốn chứng tỏ ông đang theo đuổi các biện pháp ngoại giao cứng rắn hơn nhằm làm phân tán sự soi mói của các cử tri.
Cuộc điều tra nói trên có thể phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh ông Donald Trump đề nghị Trung Quốc tăng sức ép lên Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ nên nếu xảy ra “chiến tranh thương mại” thì giới chuyên gia cho rằng sẽ không bên nào được lợi.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác cũng từ Bắc Kinh, quyết định của Washington lần này khó có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Bằng chứng là những người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump cũng từng ít nhiều áp dụng Điều 301 của Luật Thương mại 1974, nhưng vẫn không ngăn chặn Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Theo Nhà đầu tư