Sau gần một thập niên gián đoạn với nhiều nỗ lực để được quay lại ngành, tuần trước Analia Pasantino, 49 tuổi, đã chính thức quay lại lực lượng cảnh sát với vai trò phó cố vấn bộ phận truyền thông tư pháp. Bà để tóc dài ngang vai, trên tay vẫn đeo chiếc nhẫn cưới và mỉm cười rạng rỡ khi trả lời phỏng vấn hôm 11/5.
"Đây là một sự kiện quan trọng. Tôi là lãnh đạo chuyển giới đầu tiên trong ngành cảnh sát ở châu Mỹ Latin. Đó là một bước tiến quan trọng chưa từng thấy, chứng tỏ sự cởi mở của chúng ta. Thế giới đã thay đổi. Bạn có thể sống đúng với giới tính của mình", Pasantino nói với AP.
Kể từ khi gia nhập lực lượng cảnh sát Argentina vào năm 1988, Pasantino giữ các vị trí từ sĩ quan, phát ngôn viên cho tới đội trưởng đội phòng chống ma túy. Tuy vậy khi ở nhà, Pasantino sống như phụ nữ và được vợ, một luật sư ủng hộ.
Pasantino và vợ Mauro yêu nhau từ thời trung học và đã kết hôn được 31 năm. Mauro là người giúp Pasantino trang điểm, đi giày cao gót, mặc váy đầm và cùng nhau lái xe quanh thủ đô Buenos Aires vào ban đêm để tránh bị hàng xóm dòm ngó. Cũng chính bà là người khích lệ Pasantino vượt qua sự e dè để công khai giới tính thật.
Sau khi bị buộc thôi việc vào năm 2008, Pasantino và vợ vẫn không ngừng cố gắng để được công nhận. Ban đầu họ thậm chí không thể thay đổi tên nam giới của Pasantino trên giấy đăng ký kết hôn, bà Mauro còn bị thu hồi giấy chứng nhận luật sư.
Cứ 3 tháng một lần, Pasantino lại nộp đánh giá tâm thần với mong muốn có thể quay lại ngành nhưng liên tục bị từ chối bởi lý do về giới tính phức tạp.
Điều này tiếp diễn cho tới khi lãnh đạo cảnh sát liên bang thay đổi và Pasantino được Mara Perez, lãnh đạo chuyển giới trong Bộ An ninh Argentina giúp đỡ. Sau khi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào năm 2010, tới năm 2012, Argentina trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép chuyển đổi giới tính hợp pháp không cần kiểm tra tâm thần hay y tế.
Sau khi được tái gia nhập lực lượng, Pasantino nhận được rất nhiều thông điệp ủng hộ từ các đồng nghiệp cũ cùng những lời đề nghị phỏng vấn.
"Ban đầu tôi bị chú ý quá nhiều nhưng tôi tự hào khi kể câu chuyện này với hy vọng giúp ích được cho người khác", bà nói.