Hàn Quốc đang cân nhắc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), như một phần trong nỗ lực đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy thương mại khu vực.
Hàn Quốc vẫn chưa công khai quyết định tham gia CPTPP, nhưng đã theo dõi chặt chẽ hiệp định này, trong đó có cả khả năng Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) có thể trở thành thành viên của CPTPP.
Trong cuộc họp ngày 30/9 với các chuyên gia thương mại trong nước, Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo nhấn mạnh Seoul được coi là một đối tác lý tưởng của các nước tham gia CPTPP xét về khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp và công nghệ.
Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo nêu rõ chính phủ sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của các doanh nghiệp địa phương và các chuyên gia để đối phó với sự thay đổi của môi trường kinh doanh toàn cầu.
Ông khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc tham gia CPTPP vào thời điểm "đất nước có thể tối đa hóa lợi ích của mình."
Ông đề cao tầm quan trọng của CPTPP trong việc đưa Hàn Quốc đạt được vị trí dẫn đầu về thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng.
Theo Bộ trưởng Yeo Han-koo, Hàn Quốc đã và đang nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đa dạng hóa danh mục xuất khẩu của mình.
Hàn Quốc hiện đang chờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được ký kết vào tháng 11/2020, có hiệu lực vào năm 2022.
Đầu tháng này, Hàn Quốc cũng đã bày tỏ ý định tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số (DEPA), gồm Singapore, New Zealand và Chile, có hiệu lực vào tháng 1/2021. Đây là hiệp định đa phương đầu tiên bao gồm các vấn đề thương mại kỹ thuật số.
CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.