Vụ trao đổi thư từ diễn ra trong bối cảnh quan hai miền Triều Tiên trở nên nguội lạnh sau khi Mỹ và Triều Tiên không thành công trên bàn đàm phán và căng thẳng bùng phát sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào tháng trước.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết Tổng thống Moon Jae-in đã gửi một lá thư cho ông Kim Jong-un và hứa sẽ tiếp tục cố gắng tạo nền tảng cho sự thống nhất hai miền dựa trên các tuyên bố chung đạt được tại các hội nghị thượng đỉnh vào năm 2018, bất chấp tình hình "khó khăn".
Trong bức thư của mình, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng "kỷ nguyên đối đầu" nên được vượt qua bằng đối thoại và mối liên hệ liên Triều hiện là nhiệm vụ của chính quyền tiếp theo. Ông Moon cũng bày tỏ hy vọng về việc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ nhanh chóng được nối lại.
Đáp lại, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng hội nghị thượng đỉnh "lịch sử" của hai nhà lãnh đạo đã mang lại cho người dân "hy vọng cho tương lai" và đồng ý rằng quan hệ sẽ phát triển nếu cả hai bên "nỗ lực không mệt mỏi với hy vọng".
Trong tuần này, ông Sung Kim - đặc phái viên của chính phủ Mỹ về Triều Tiên, đã có mặt tại Seoul để đàm phán với các quan chức Hàn Quốc. Đại diện của Mỹ cho biết ông sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên bất cứ lúc nào mà không có điều kiện tiên quyết.
Đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, di sản lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông là cải thiện quan hệ liên Triều và đóng vai trung gian để tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào năm 2018 và 2019.
Các hội nghị thượng đỉnh liên Triều cũng được hứa hẹn về một viễn cảnh hòa bình và hòa giải, nhưng quan hệ hai bên đã xấu đi trong những năm gần đây.
Hai nhà lãnh đạo đã nhanh chóng tìm cách hàn gắn quan hệ vào năm ngoái thông qua nhiều cuộc trao đổi thư từ, nhưng chỉ đạt được rất ít tiến bộ khi Bình Nhưỡng chỉ trích quan điểm "tiêu chuẩn kép" của Seoul trong việc phát triển vũ khí.
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ nhậm chức vào ngày 10/5. Ông Yoon cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, nhưng cần có biện pháp răn đe quân sự lớn hơn và quan hệ chặt chẽ hơn với Washington để chống lại các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Kể từ đầu năm nay, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã gia tăng nhanh chóng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử ICBM toàn phần đầu tiên kể từ năm 2017 tháng trước, đã có nhiều lo ngại rằng chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị khởi động lại hoạt động thử nghiệm tên lửa hạt nhân.