Theo hãng tin trên, Nga hiện là một trong những quốc gia giàu có nhất về nguyên liệu thô. Nga đứng vị trí thứ nhất trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên, thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Moskva đáp trả phương Tây bằng các biện pháp trừng phạt tương xứng chưa từng có và ngừng xuất khẩu năng lượng, điều này sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Ngoài dầu mỏ và khí đốt, than đá, quặng sắt, apatit, muối kali, photphorit, kim cương, đồng, vàng, niken và platinoids được khai thác ở Nga, còn có nhôm, titan và crom. Tất cả đều là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Nga là nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, thứ hai về coban, vanadi và bạch kim, thứ ba về vàng, niken và lưu huỳnh, thứ tư về bạc và phốtphát, và thứ năm về quặng sắt.
Theo Tiến sĩ Kinh tế Leonid Khazanov - một chuyên gia công nghiệp, việc ngừng xuất khẩu kim loại từ Nga đe dọa gây ra những vấn đề lớn trên thế giới. Ông đưa ra ví dụ rằng việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Rusal (công ty hàng đầu của Nga về luyện nhôm) - sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhôm ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tạo ra "cơn bão" giá. Việc Mỹ và châu Âu thay thế kim loại của Nga bằng sản phẩm Trung Quốc, đối với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu chẳng khác nào chọn "cái chết", bởi trong nhiều năm qua họ đã cố gắng đánh bật các sản phẩm từ Trung Quốc ra khỏi thị trường của mình. Tình hình về niken, coban, bạch kim và palladium thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Chuyên gia trên cũng cho rằng các lệnh trừng phạt đối với Norilsk Niken - nhà sản xuất niken, palladium lớn nhất thế giới - sẽ gây ra một cú sốc thực sự - đơn giản là không có sự thay thế xứng đáng. Tập đoàn Vale của Brazil sẽ không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu về niken, trong khi công ty Sumitomo (Nhật Bản) sẽ không thể đáp ứng tất cả các đơn hàng đối với coban.
Trong khi đó, ông Nikolai Kobrinets - một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nga - cảnh báo rằng EU sẽ phải đối mặt với giá năng lượng tăng vọt, sau các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax, ông Kobrinets nêu rõ Nga là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy, nhưng nước này cũng đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu khó khăn trong lĩnh vực này nếu cần thiết. Tuy không nêu cụ thể về "cuộc đối đầu" này, nhưng ông cho rằng tình hình hiện nay trên thị trường năng lượng toàn cầu có thể dẫn đến việc EU sẽ phải trả gấp 3 lần cho dầu thô, khí đốt và điện. Ông khẳng định: "Tôi tin rằng EU sẽ không thu được lợi ích gì từ việc này (ám chỉ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga). Chúng tôi có nhiều nguồn cung bền vững hơn và cũng có một tinh thần thép".
Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos - ông Dmitry Rogozin cũng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), qua đó kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này.
Theo ông Rogozin, các lệnh trừng phạt trên có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động của các tàu vũ trụ Nga đang làm việc trên ISS, theo đó phần cấu trúc nặng 500 tấn của Nga trên trạm này - vốn có nhiệm vụ hỗ trợ điều chỉnh quỹ đạo - sẽ "có thể bị rơi xuống biển hoặc đất liền".