Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh mở rộng các hạn chế đối với các ngân hàng Mỹ giao dịch nợ công của Nga, cũng như trục xuất 10 nhà ngoại giao bao gồm cả những người bị cáo buộc là gián điệp và xử phạt 32 cá nhân được cho là đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nhà Trắng cho biết quyết định của Tổng thống Biden "gửi đi một tín hiệu rằng nước Mỹ sẽ áp đặt các phí tổn một cách chiến lược và tác động kinh tế lên Nga nếu nước này tiếp tục hoặc leo thang hành động gây bất ổn quốc tế".
Tuyên bố của Nhà Trắng ngay từ đầu đã liệt kê "những nỗ lực của Moscow nhằm phá hoại việc tiến hành các cuộc bầu cử dân chủ tự do và công bằng và các thể chế dân chủ ở Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác".
Bộ Tài chính Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu, Australia, Anh và Canada, đã xử phạt 8 cá nhân và tổ chức liên quan đến việc Nga sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea từ Ukraine.
Sau khi Nhà Trắng công bố các biện pháp trừng phạt, Bộ Ngoại giao Nga cho biết một phản ứng đáp trả là "không thể tránh khỏi."
“Mỹ chưa sẵn sàng đối mặt với thực tế khách quan rằng có một thế giới đa cực muốn loại trừ quyền bá chủ của họ", người phát ngôn Maria Zakharova nói.
Việc chính quyền Biden áp đặt các lệnh trừng phạt diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ đề xuất một hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp nga Vladimir Putin.
Điện Kremlin cho biết việc Mỹ trừng phạt Nga sẽ không "giúp ích" cho một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa lãnh đạo hai nước.
"Các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp ích gì cho một cuộc gặp như vậy. Điều đó là rõ ràng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Căng thẳng mới nhất giữa hai cường quốc hạt nhân diễn ra trong bối cảnh Washington phẫn nộ trước các cáo buộc phía Moscow can thiệp vào hai cuộc bầu cử Tổng thống cũng như việc Nga đang điều động một số lượng lớn binh sĩ tới biên giới giáp Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này là một hình phạt nghiêm ngặt hơn nhiều so với thông thường, bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ thường nhắm vào những cá nhân mà Washington tin rằng thân cận với Điện Kremlin.
Lệnh trừng phạt nhắm vào các khoản nợ công có thể không ảnh hưởng nhiều tới Nga bởi nước này sẵn có số nợ hạn chế và ngân sách cân bằng.
Sergei Khestanov, một nhà kinh tế tại Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công (Nga) cho biết: “Trong hơn một thập kỷ qua, chính sách của các cơ quan quản lý tiền tệ Nga là nhằm giữ cho thâm hụt ngân sách ở mức thấp. Nhà nước Nga đã lên kế hoạch cho một kịch bản mà họ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt thế này đối với khoản nợ của mình và họ đã nghiêm túc chuẩn bị trong một thời gian dài".
Liên minh quân sự NATO cho biết các đồng minh của Mỹ ủng hộ và đoàn kết với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
“Chúng tôi kêu gọi Nga chấm dứt ngay hành vi gây bất ổn của mình và duy trì các nghĩa vụ quốc tế của mình", NATO tuyên bố.