Điệp khúc mai một
Trước kia, ở các phiên chợ các chàng trai, cô gái người Mông thường thổi kèn lá để tìm bạn tình. Khi yêu nhau, họ dùng tiếng sáo, dùng đàn môi để bày tỏ tình cảm với người yêu. Đi chơi hội Gầu tào, họ dùng đàn ống để làm phương tiện chuyển tải tình cảm của mình… Nhưng bây giờ, khi các phương tiện thông tin hiện đại ra đời, người ta đã không còn dùng tiếng khèn, tiếng sáo nữa. Có những lúc, giữa phiên chợ tình, họ mang theo cả cát-sét, mở đài thay cho những nhạc cụ dân tộc, thậm chí, họ dùng cả điện thoại di động...
Cộng đồng Thái, Mường, Tày, Cao Lan… với những tinh hoa nghệ thuật như hát giao duyên, hát dân ca, dân vũ, hay sử dụng nhạc cụ dân tộc… cũng đang mất dần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Ông Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện nay nhiều dân tộc không còn nói tiếng mẹ đẻ. Đơn cử, dân tộc Bố Y có hơn 2.000 người, thuộc 2 nhóm địa phương là Tu Dí (ở Lào Cai) và Bố Y (ở Hà Giang). Hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan Hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày… Ở một số địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch...
Không riêng gì ngôn ngữ, các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội… của các dân tộc này đều đã mai một nghiêm trọng. Lên thăm vùng Tây Bắc bây giờ, chỉ có các nhà dân tộc học, hoặc những người am hiểu sâu sắc về văn hóa tộc người, mới phân biệt được nhà sàn của người Kháng, người La Ha khác với người Thái thế nào… Khi tham dự một số lễ hội, xem nghi lễ tín ngưỡng của người Kháng, người La Ha, người Xinh Mun… không ít người lại nghĩ đó là sinh hoạt văn hóa của người Thái. Những ví dụ trên chỉ là những điển hình rất nhỏ về thực trạng mai một bản sắc văn hóa của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.
Giữ di sản bằng mọi cách
Để làm sống dậy cây khèn Mông - một phần linh hồn của văn hóa dân tộc Mông, huyện Đồng Văn, Hà Giang mới đây đã khôi phục nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo. Một trong số đó là mở lớp truyền dạy làm khèn Mông cho người trẻ nhằm giữ gìn nghề truyền thống. Trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều tổ hợp tác sản xuất khèn Mông ra đời, nhiều gắn với việc phát triển du lịch đã thu hút nhiều người trẻ tuổi theo nghề. Rất nhiều thanh niên trong xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang theo đuổi nghề làm khèn. Đây là một tín hiệu mừng.
Khèn Mông - một phần linh hồn của văn hóa dân tộc Mông, huyện Đồng Văn, Hà Giang. |
Ông Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có khá nhiều nghệ nhân chế tác khèn Mông, đặc biệt là càng ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia chế tác khèn. Huyện cũng đã phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức truyền dạy nghề làm khèn cho thế hệ trẻ. Một số em học sinh đã có thể chế tác được khèn.
Ngoài Hà Giang, nhiều địa phương cũng từng bước nhận thức được những giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa các dân tộc. Mới đây, ngày 23/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức phục dựng lễ cưới của đồng bào K’Ho. K’Ho là một trong những dân tộc bản địa trên vùng đất Tây Nguyên.
Tỉnh Đồng Tháp cũng “rục rịch” triển khai bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp với mục tiêu phấn đấu 50 - 70% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp xã. Tỉnh đã xây dựng mô hình hoạt động Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp huyện ở 10 huyện, thành phố còn lại.
Đồng thời duy trì việc tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử, Hát dân ca và Hò Đồng Tháp” cấp tỉnh mỗi năm 1 lần và cấp huyện định kỳ 2 năm 1 lần; tham gia các cuộc hội thi, liên hoan cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc; giao lưu Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong và ngoài nước. Địa phương này cũng khuyến khích mỗi xã, phường, thị trấn thành lập 1 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp khóm, ấp.
Những biện pháp mà các địa phương đang thực hiện đang dần làm sống dậy di sản vật thể cũng như phi vật thể. Tuy nhiên, theo TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong văn hóa có phương pháp bảo tồn sống, nghĩa là cả cộng đồng sống trong môi trường văn hóa để bảo tồn là tốt nhất.
Cách bảo tồn như vậy trong điều kiện hiện nay là rất khó, nhưng chúng ta có thể xây dựng, gìn giữ một làng, bản nguyên vẹn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để vừa bảo tồn sống, vừa bảo tồn theo kiểu bảo tàng, như quay phim, chụp ảnh tư liệu về tất cả các nghi lễ, nghi thức cũng như cuộc sống sinh hoạt của dân tộc đó, lưu giữ lại, để sau này con cháu muốn tìm hiểu, có thể xem lại… đó là một cách bảo tồn rất tốt, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.