Theo Giám đốc Viện các vấn đề y sinh thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Nga Oleg Orlov, loài người tùy theo trình độ khám phá không gian vũ trụ có thể bắt gặp các dạng thức sống mới trên sao Hỏa. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chạm mặt những sinh vật được các thiết bị đưa lên hành tinh Đỏ trước đây và dần biến đổi dưới tác động trên sao Hỏa.
"Không loại trừ khả năng như vậy. Ngoài ra, cũng có khả năng gặp gỡ những sinh vật được loài người đưa lên sao Hỏa trước đây, ví dụ như các sinh vật từng sống ở Trái Đất đã biến đổi để thích nghi với điều kiện sống mới", ông Orlov nói.
Theo ông này, những người Trái đất đầu tiên có thể đặt chân lên bề mặt sao Hỏa không nên ngạc nhiên nếu bắt gặp những dạng thức sống ngoài hành tinh.
"Các kịch bản này đang được nghiên cứu theo chương trình phòng thủ hành tinh, vốn là chủ đề rất được quan tâm của nhóm liên ngành được đặc biệt thành lập theo sáng kiến của chúng tôi trong Hội đồng khoa học vũ trụ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga", ông nói thêm.
Thời điểm con người có thể đặt chân lên sao Hỏa cho tới nay vẫn là vấn đề thu hút sự chú ý lớn.
Hồi năm 2019, NASA tuyên bố rằng cơ quan này đang nhắm tới mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa vào khoảng những năm 2030 và sớm nhất là vào năm 2035.