Cơn sốt tích trữ hàng hóa lan khắp thế giới

(Ngày Nay) - Các nhà cung ứng bị hối thúc giao hàng mỗi ngày, các nhân viên siêu thị trở nên bận túi bụi để phục vụ số lượng lớn khách hàng, hay thậm chí giấy vệ sinh cũng phải được canh giữ bởi các nhân viên bảo vệ.
Cơn sốt tích trữ hàng hóa lan khắp thế giới

Đây là thực tế hoàn toàn đáng ngạc nhiên đối với một số nhà bán lẻ trên khắp thế giới, vốn đang có những động thái quyết liệu để hạn chế số lượng giấy vệ sinh, khẩu trang và nước rửa tay mỗi người có thể mua, trong bối cảnh cả thế giới đang hoảng loạn tích trữ do dịch Covid-19.

Virus corona mới đã lây nhiễm cho hơn 97.000 người và giết chết 3.300 người trên toàn cầu, cùng với đó là hình ảnh “thành phố ma” Vũ Hán khiến không ít người đổ xô tới các siêu thị để mua sắm nhu yếu phẩm.

Cả hai thương hiệu siêu thị Woolworths và Coles của Australia trong tuần này đã phải đặt hạn mức mỗi người chỉ được mua 4 gói giấy vệ sinh. Nhà bán lẻ Costco Australia cũng đang hạn chế số lượng khăn giấy vệ sinh, chất khử trùng, sữa, trứng và gạo mà mỗi khách hàng có thể mua.

Cơn sốt tích trữ hàng hóa lan khắp thế giới ảnh 1

Nước rửa tay là mặt hàng được săn đón nhiều nhất bên cạnh khẩu trang và giấy vệ sinh. Ảnh: Yahoo

Tại Mỹ, hệ thống bán lẻ Kroger cho biết họ đang giới hạn các giao dịch mua riêng lẻ “các vật tư y tế và thuốc cảm cúm", trong khi Home Depot đang hạn chế số lượng khẩu trang trong các đơn đặt hàng trực tuyến và tại các cửa hàng.

Tại Vương quốc Anh, các siêu thị Boots đang giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 2 chai nước rửa tay và nhà bán lẻ trực tuyến Ocado đã khuyên khách hàng nên đặt hàng trước do "nhu cầu đặc biệt cao" của thị trường.

Các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm khẩn cấp – nhận giao thực phẩm khô trong thời điểm xảy ra các cuộc khủng hoảng như thiên tai, đang chứng kiến doanh số tăng mạnh.

"Chỉ trong một ngày, chúng tôi có số lượng đơn đặt hàng tương đương vài tháng trước đây", James Blake, giám đốc của Emergency Food Storage UK, nhà cung cấp thực phẩm khẩn cấp lớn nhất ở châu Âu, cho biết. "Hộp thiếc của chúng tôi có thời hạn sử dụng trong 25 năm nên khách hàng chỉ cần lo việc lưu trữ”.

Cơn hoảng loạn tại các siêu thị

Một nhân viên tại siêu thị Coles ở Brisbane (Australia) cho biết anh đang rất bận rộn vào thời điểm này.

“Giấy vệ sinh gần như hết sạch chỉ trong một ngày. Khi một đợt hàng được giao tới, chúng tôi thậm chí còn chưa có thời gian sắp xếp vào kệ thì khách hàng đã ào tới để mua tại chỗ”, người này nói.

Cơn sốt tích trữ hàng hóa lan khắp thế giới ảnh 2

Một người bảo vệ đã được phân công trông giữ các kệ giấy vệ sinh tại siêu thị. Ảnh: Twitter

Tại một siêu thị Coles khác ở Sydney, một nhân viên bảo vệ đã được phái đến để trông chừng dãy bán giấy vệ sinh. “Cứ 10 phút chúng tôi lại phải bổ sung thêm giấy vệ sinh trên các kệ hàng”, phía siêu thị thông báo.

Chuỗi cung ứng bị kéo dãn

Patrick Noone, giám đốc điều hành của Costco Australia, cho biết công ty của ông đã phải rất vất vả để điều chỉnh theo nhu cầu tăng đột ngột trong vài ngày qua.

"Chúng tôi đã thấy một dòng người trong các nhà kho và siêu thị trên toàn quốc trong tuần qua để mua dự trữ", Noone nói trong một tuyên bố. "Nhân viên và nhà cung cấp của chúng tôi đang làm việc không biết mệt mỏi để cố gắng đáp ứng nhu cầu khách hàng".

Costco đã ghi nhận doanh thu tăng 3% vào tháng trước, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định các nhà bán lẻ không thực sự hưởng lợi từ “cơn sốt” mua sắm toàn cầu này.

"Nỗi sợ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung ngày càng tăng lo ngại cuộc sống thường ngày bị đảo lộn có thể đã thúc đẩy tâm lý tích trữ của mọi người", ông Bernard Aw, một nhà kinh tế của công ty tư vấn IHS Markit, cho biết.

Nhưng ông nói thêm rằng "các doanh nghiệp thường ưu tiên tăng trưởng ổn định hơn là bất kỳ sự gia tăng đột biến”.

Aw lưu ý rằng sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tấn công chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, với dữ liệu sản xuất vào tháng 2 cho thấy "thời gian giao hàng toàn cầu kéo dài ở mức lớn nhất trong gần 9 năm qua".

Jonathan Cheng đến từ công ty tư vấn tài chính Bain có trụ sở tại Mỹ, cho biết cuộc khủng hoảng cung ứng trong giai đoạn này đã buộc các nhà bán lẻ truyền thống suy nghĩ lại về cách cung cấp hàng hóa trong tương lai.

"Các nhà quản lý bán lẻ hiện đang đối mặt với hai thách thức. Đầu tiên là hoạt động vận chuyển đang bị thu hẹp", ông lưu ý. "Thách thức thứ hai là thiếu nguồn cung, do các nhà máy tại Trung Quốc chưa thể hoạt động bình thường”.

Khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, các nhà bán lẻ đang theo dõi chặt chẽ chuỗi cung ứng để dự đoán các dấu hiệu gián đoạn trong tương lai, theo ông Andrew Opie đến từ Hiệp hội Bán lẻ Anh.

"Họ rất giỏi trong việc giải quyết sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và chuyển nguồn hàng từ nước này sang nước khác để giảm thiểu mọi tác động", ông Opie nói.

Theo CNN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.