Một ngày sau khi chôn cất anh trai của mình ở Houston, Philonise Floyd đã xuất hiện trực tiếp trước một phiên điều trần tại Hạ viện, nơi anh mô tả nỗi thống khổ khi phải xem đoạn video ghi lại giờ phút cuối cùng của George và yêu cầu các nhà lập pháp hành động để khắc phục tình trạng phân biệt chủng tộc trong giới cảnh sát.
"Tôi ở đây để yêu cầu mọi người khiến nó dừng lại. Hãy chấm dứt nỗi đau", Floyd nói. "Tôi không thể nói cho bạn biết nỗi đau mà tôi cảm thấy khi xem đoạn phim. Một người anh lớn của tôi, người mà tôi luôn tôn trọng suốt đời, đã chết khi cầu xin gặp mẹ".
"Anh ấy không đáng phải chết chỉ vì 20 USD", Philonise Floyd đề cập đến cáo buộc anh trai mình bị bắt giữ vì sử dụng hóa đơn giả khi mua thuốc lá.
Paul Butler, Angela Underwood Jacobs, Philonise Floyd và Ben Crump tuyên thệ trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Ảnh: AP |
"Tôi xin hỏi mọi người: 20 USD có phải là số tiền mà một người da đen đáng giá? Đây là năm 2020. Như vậy là đủ rồi", Floyd nhấn mạnh.
Sau đó, người em trai của George Floyd đã lau trán và nước mắt khi kêu gọi các nhà lập pháp "lắng nghe tiếng gọi" mà anh và những người biểu tình đang kêu gọi ngoài đường.
"Có thể bằng cách nói chuyện với mọi người hôm nay, tôi có thể chắc chắn rằng cái chết của anh ấy sẽ không vô ích."
"Nỗi đau của nước Mỹ"
George Floyd, 46 tuổi, đã chết khi bị một viên cảnh sát Minneapolis ghì cổ vào ngày 25/5 trong gần 9 phút.
Cái chết của Floyd đã làm dấy lên làn sóng biểu tình đòi thực thi công lý và cải cách hoàn toàn hệ thống cảnh sát trên toàn nước Mỹ.
Trở lại phiên điều trần, các nhà lập pháp Mỹ đều bày tỏ sự cảm thông dành cho gia đình Floyd, hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Sensenbrenner thừa nhận: "Nỗi đau của George Floyd đã trở thành nỗi đau của nước Mỹ".
Phiên điều trần kéo dài 5 giờ được đưa ra sau khi đảng Dân chủ công bố một gói cải cách trong tuần này nhằm mục đích chấm dứt nạn bạo lực của cảnh sát.
Dự luật mới sẽ cấm cảnh sát dùng động tác siết cổ, ban hành quy định giúp truy tố các sĩ quan sai phạm dễ dàng hơn, yêu cầu đào tạo lại tư tưởng chống phân biệt chủng tộc và ngăn các cảnh sát bị sa thải làm việc tại nơi khác.
Dự luật cũng sẽ hạn chế việc sử dụng quyền miễn trừ đủ điều kiện của các sở cảnh sát, điều này bảo vệ các sĩ quan khỏi phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi sai trái.
"Nếu không có trách nhiệm," luật sư của gia đình Floyd, ông Benjamin Crump nói. "Sự tàn bạo của cảnh sát và nhiều cảnh lạm dụng khác sẽ tiếp tục xảy ra."
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler nói rằng trong khi hầu hết cảnh sát đều đàng hoàng và tuân thủ pháp luật, có một "vấn đề mang tính hệ thống" trong thực thi pháp luật đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện.
"Nước Mỹ yêu cầu và xứng đáng với sự thay đổi có ý nghĩa", ông Nadler nói.
Kẻ thủ ác sẽ phải đối diện với công lý
Tại phiên điều trần, các nhà lập pháp đồng ý thảo luận một cách chân thực về cách đối xử của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa bao gồm Jim Jordan bày tỏ mong muốn ban hành cải cách.
"Điều này là một sai lầm", ông Jordan nói với Philonise Floyd về cái chết của George. "Những kẻ giết George Floyd sẽ phải đối diện với công lý."
"Chúng tôi sẽ không bao giờ giải quyết các bất công bằng việc cướp bóc, đốt phá tài sản và giết hại nhân danh công lý", theo bà Angela Underwood Jacobs, thành viên hội đồng thành phố Lancaster, California.
Bà Jacobs cũng mô tả là những lời kêu gọi của các nhà hoạt động cánh tả về việc "cắt giảm chi phí cảnh sát" là điều lố bịch, lời kêu gọi này cung bị Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa coi là nguy hiểm và sai lầm.
Căng thẳng gia tăng trong một cuộc trao đổi giữa nghị sĩ Dân chủ da màu Hakeem Jeffries và Dan Bongino, một người dẫn chương trình phát thanh thuộc đảng Cộng hòa.
Ông Jeffries xoáy sâu vào vấn đề một số nghi phạm thảm sát da trắng lại bị bắt giữ mà không gặp sự cố gì, trong khi nhiều người gốc Phi không có vũ khí lại dễ dàng chết dưới tay cảnh sát.
"Tôi không biết tại sao ngài lại lồng vấn đề chủng tộc vào việc này" nghị sĩ Bongino nói.
"Bởi vì mạng sống của người da đen quý giá, thưa ngài," ông Jeffries trả lời. "Đúng, mọi mạng sống đều quý giá, thưa ngài", ông Bongino phản bác.