Một trong những sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp Việt quan tâm nhất trong tuần này là CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1.
Tại buổi hội thảo "CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay Thách thức" diễn ra sáng nay (18/1) tại Hà Nội, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công thương cho biết, hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Về mở cửa thị trường, khi hiệp định có hiệu lực đã xoá bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hoá dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
Cũng theo bà Quỳnh Mai, CPTPP mặc dù không có Mỹ, nhưng quy mô thị trường vẫn lớn, chiếm 13,5 GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 5 triệu dân.
Về thuế quan, cắt giảm gần 100% dòng thuế, 66% về 0% khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% về 0 sau 3 năm. Không áp dụng thuế xuất khẩu ngoại trừ một số mặt hàng như xăng dầu...
Ngoài các lĩnh vực truyền thống, Việt Nam có một số cam kết khác, phi truyền thống như lao động, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công, môi trường.
Trong chương lao động, Việt Nam được hưởng một số ưu đãi nhất định. Việt Nam có khoảng 7 năm không bị trừng phạt thương mại ở phần này.
Bà Phạm Quỳnh Mai cho biết, đối với Việt Nam, các nước cam kết xóa bỏ gần như 100% số dòng thuế ở các ngành đồ gỗ, thủy sản... Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ nhiều dòng thuế với các thành viên tham gia hiệp định.
Với một số mặt hàng nhạy cảm như bia, thịt gà, Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế cho các nước khác trong 10 năm.
Các lĩnh vực Việt Nam được hưởng lợi nhiều như giày dép, cà phê, chè, hạt tiêu... Các mặt hàng trên ta có thể xuất sang các thị trường Canada, Nhật Bản.
"Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn rất nhiều khi hàng loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Bên cạnh đó, CPTTP còn thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho kinh doanh, xóa bỏ rào cản thương mại. Việt Nam có thể tích cực áp dụng cam kết để mở rộng thị trường. Khi hiệp định có liệu lực, hàng triệu việc làm được tạo ra cho người lao động, giúp xóa đói giảm nghèo", bà Mai cho biết.
Tuy nhiên, bà Mai cũng lưu ý, CPTTP mang đến nhiều lợi thế song cũng không ít thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài những mặt hàng có thế mạnh, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng một số mặt hàng như thực phẩm, ô tô.
Còn theo bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên đoàn đàm phán CPTPP của Việt Nam cho rằng, khi CPTPP có hiệu lực, sẽ có nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, quy tắc De Minimis cho phép thành phẩm dù vi phạm xuất xứ 10% nhưng vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt.
Ví dụ, sợi không có xuất xứ được phép chiếm không quá 10% trọng lượng vải sử dụng để tạo nên thành phẩm, thì trong 100 tấn sợi, doanh nghiệp dệt may có quyền vi phạm 10 tấn vẫn được hưởng ưu đãi. Quy tắc này chỉ áp dụng duy nhất trong ngành dệt may về trọng lượng.
Còn nếu tính về giá trị, nhiều ngành hàng vẫn được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, không áp dụng với một số nguyên liệu sử dụng để sản xuất bơ sữa và các sản phẩm bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả và một số loại dầu ăn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệp May Việt Nam cho rằng, cơ hội cho ngành dệt may trong CPTPP là mở rộng thị trường sang Mexico, Peru và Canada. Ngoài ra, những tác động khác nhau thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, cũng có ảnh hưởng tích cực lên ngành dệt may.
Trước Việt Nam, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ 30/12/2018, là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Bao gồm 11 quốc gia, Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.