Ngày 13/5, không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Trung Quốc không nên đáp trả, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ nâng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ 1/6.
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tương lai của thỏa thuận thương mại sẽ còn nhiều vấn đề phức tạp, nhưng sẽ là cơ hội cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Một số nhà quan sát cho biết nhiều công ty Trung Quốc đang xem xét chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, trong bối cảnh xung đột thương mại, và Việt Nam đã trở thành một nơi được các nhà đầu tư ưa thích. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tình hình này là cơ hội nhưng cũng đặt ra cho Việt Nam không ít khó khăn.
Bà Phạm Chi Lan phân tích, có khả năng một số ngành sản xuất từ Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam, bên cạnh một số quốc gia Đông Nam Á khác.
“Đây cũng nằm trong tính toán chiến lược của họ, chiến lược nhiều người áp dụng là ‘Trung Quốc + 1’ - tức là không đặt tất cả các dự án đầu tư của họ ở Trung Quốc mà phải chuyển sang các nước khác", bà Lan nói.
Theo bà Phạm Chi Lan, đây sẽ là một cơ hội cho Việt Nam để có thể tiếp nhận thêm đầu tư nước ngoài, xây dựng chiến lược đầu tư ưu tiên các ngành công nghệ cao đang muốn phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải áp vào chiến lược phát triển dài hạn của mình để xem là nên tiếp nhận cơ hội đến mức nào cho phù hợp.
Khía cạnh thứ hai, Việt Nam một mặt có thể tăng xuất khẩu sang Mỹ, mặt khác phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ tăng thuế do xuất siêu. Việt Nam cũng dễ bị vào tầm ngắm xem có trở thành nơi tránh thuế cho các nước bị Mỹ đánh thuế cao hay không.
Thách thức thứ ba là khi đầu tư của Trung Quốc và các nước khác vào một số ngành có sản phẩm bị đánh thuế, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng lên nhưng tạo ra sức ép cạnh tranh đối với các nhà xuất khẩu trong nước, trong khi dung lượng thị trường có hạn.
Bên cạnh đó, khi Trung Quốc khó khăn trong tiếp cận thị trường Mỹ thì tất yếu họ tăng cường xuất khẩu sang các nước khác, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước và sẽ làm cho nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng lên.
Doanh nghiệp Việt phải nhanh hơn, mạnh mẽ hơn
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, đứng trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải cố gắng nỗ lực không ngừng để tăng cường năng lực cạnh tranh. Trong thời đại công nghệ, các doanh nghiệp cần xem xét những chuyển đổi công nghệ mới, thay đổi hệ thống quản trị, thực hiện chuyển đổi số,…
Bên cạnh đó doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh tốt, trở thành thương hiệu. Cố gắng đạt được thương hiệu ví dụ như thương hiệu xanh về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; thương hiệu hồng về trách nhiệm xã hội đối với người dân, tạo thêm danh tiếng tốt cho doanh nghiệp, tạo nên giá trị thương hiệu của Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.
“Thời đại hiện nay muốn hay không cũng phải có những chuyển đổi theo xu hướng công nghệ, không thể cạnh tranh mãi bằng cách cũ. Tôi nghĩ áp lực của cuộc chiến thương mại càng thúc đẩy Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải làm nhanh hơn, khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn” – bà Chi Lan nói.
Theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp Việt Nam là cần cẩn trọng trong chọn lựa đối tác từ bên ngoài vào, tránh vì cái lợi trước mắt vô tình sa vào trường hợp lẩn tránh thuế hoặc gian lận thương mại. Điều này sẽ không những làm bản thân doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp cần tranh thủ tận dụng cơ hội Việt Nam có được qua các hiệp định như CP TPP, khai thác mối quan hệ với các đối tác còn lại trong hiệp định, cũng như quan hệ với châu Âu.
Hiệp định EVFTA chưa được thông qua nhưng doanh nghiệp Việt Nam càng làm sớm việc cải thiện năng lực của mình, thì càng giúp hiệp định thương mại sớm hình thành và giúp tiếp cận được cơ hội mới từ thị trường.
"Doanh nghiệp cần xem xét đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng thị trường. “Không nhất thiết đã quen mua của Trung Quốc thì lại tiếp tục mua hay quen xuất sang Mỹ thì lại xuất Mỹ.
Thời đại cho phép xem xét điều khiển chiến lược thị trường thì các doanh nghiệp nên xem xét lại tùy từng thời điểm, khả năng cạnh tranh để đa dạng hóa – tối thiểu cũng nên có 2,3 thị trường chính, không nên bỏ hết trứng vào một rọ.
Vì thị trường chao đảo rất mạnh và bản thân các doanh nghiệp các nước cũng điều chỉnh chiến lược của họ. Thành công hôm qua chưa chắc đã đảm bảo cho thành công dài hạn cho tương lai nên rất cần các phương án khác nhau để đề phòng, có phương án thay thế” – chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
"Áp lực của cuộc chiến thương mại càng thúc đẩy Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải làm nhanh hơn, khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn." |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan