Bé Milo Evan Dorbert trút hơi thở đầu tiên và cuối cùng vào tối ngày 3/3. Những biến chứng bất thường trong quá trình mang thai của mẹ Milo đã thử thách cách giải thích luật phá thai mới của bang Florida (Mỹ).
Deborah Dorbert phát hiện ra mình có thai vào tháng 8. Bác sĩ cho biết em bé phát triển khỏe mạnh và sớm trở thành thành viên thứ tư trong gia đình Dorbert. Deborah không hề nghĩ rằng hậu quả từ quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ khi lật ngược quyền phá thai theo hiến pháp đã tồn tại nửa thế kỷ sẽ ảnh hưởng đến đứa con cô đang mang trong bụng.
Một cuộc siêu âm giữa thai kỳ của cô đã thay đổi tất cả.
Deborah và chồng cô, Lee, vào cuối tháng 11 năm ngoái được bác sĩ thông báo con họ mắc hội chứng Potter, một căn bệnh hiếm gặp và gây chết người khiến họ rơi vào tình cảnh pháp lý bất ổn.
Deborah Dorbert xem ảnh siêu âm lúc 12 tuần của Milo, được chụp cẩn thận trước khi cô phát hiện ra có biến chứng khi mang thai. Ảnh: The Washington Post |
Bang Florida có lệnh cấm phá thai sau 15 tuần tuổi, nhưng có ngoại lệ cho phép đối với những trường hợp phát hiện dị tật bẩm sinh gây chết người. Nhưng chừng nào trái tim của em bé còn đập, các bác sĩ sẽ không chấp nhận yêu cầu chấm dứt thai kỳ của vợ chồng Dobert.
Các bác sĩ không cho biết họ đã đưa ra quyết định như thế nào, nhưng luật mới đưa ra những hình phạt nghiêm khắc, bao gồm cả ngồi tù, đối với những người hành nghề y vi phạm luật lệ Hệ thống bệnh viện từ chối thảo luận về vụ việc.
Thay vào đó, nhà Dorbert sẽ phải Deborah chuyển dạ sau 37 tuần.
Deborah Dorbert cho biết trước khi mang thai, đứa bé sẽ được đặt tên Milo nếu là con trai và Malia nếu là con gái. Ảnh: The Washington Post |
Trong 3 tháng tiếp theo, vợ chồng Deborah gắng gượng để chuẩn bị cho cuộc đời ngắn ngủi của đứa con trai thứ hai. Họ đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia và quyết định không cố gắng kéo dài cuộc sống của Milo bằng các biện pháp can thiệp công nghệ cao.
“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là cho con hiểu rằng con vẫn được yêu thương", Deborah nói.
Một ngày trước khi Milo chào đời, gia đình Dorbert đã ngồi lại với cậu con trai Kaiden của họ để giải thích rằng em trai cậu sẽ không trở về nhà cùng bố mẹ. Thay vào đó, ở một ngày nào đó, cả nhà sẽ gặp nhau như những thiên thần, Deborah an ủi Kaiden. Cậu bé 4 tuổi bật khóc, nói với bố mẹ rằng cậu không muốn trở thành thiên thần.
Nếu không có thận, thai nhi mắc hội chứng Potter không thể tạo ra nước ối giúp phổi nở ra và cơ thể phát triển. Những em bé sống sót cho đến khi chào đời thường có tứ chi co cứng, bàn chân khoèo và các bộ phận có hình dáng dẹt do bị ép vào thành tử cung.
Sau 12 giờ Deborah chuyển dạ, Milo ra đời với cân nặng 2,1 kg, tay chân nhỏ nhắn, không tì vết cùng những lọn tóc nâu.
"Khi Milo ra đời, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng con thở hổn hển. Con thực sự đang cố gắng thở. Con không khóc khi được sinh ra và cũng không hề mở mắt. Nhưng tôi biết con đã rất cố gắng", Deborah nhớ lại.
Peter Rogell, ông ngoại của Milo, người có mặt bên cạnh con gái lúc lâm bồn, hồi tưởng: “Tôi nghĩ rằng phép màu đã xảy ra. Ông Rogell cho phép mình thắp lên chút hy vọng, cho đến khi bác sĩ cắt sợi dây rốn, thứ mà trong suốt 37 tuần đã đảm nhiệm các chức năng thay cho lá phổi kém phát triển của Milo.
"Khi họ lôi đứa bé ra, tôi nghĩ điều kỳ diệu đã xảy ra. Bởi vì với tôi, thằng bé trông thật hoàn hảo", ông Rogell nói.
Milo chào đời với nước da xanh xao, được quấn trong chiếc chăn do mẹ ông Rogell đan bằng tay.
Cậu bé không khóc, không đòi bú hay thậm chí mở mắt, dành từng chút sức lực cho những lần thở hổn hển ngắt quãng.
“Đó là khởi đầu của sự kết thúc”, ông Rogell nói, nhớ lại những lần nuốt nước bọt dai dẳng mà lúc đầu ông nghĩ là do bị nấc, nhưng hóa ra là nỗ lực cố gắng của cháu trai mình để thở.
Trong khi đó, ông bố Lee đọc một cuốn sách cho đứa con trai đang hấp hối của mình - "Ta sẽ yêu con mãi mãi", cuốn sách vợ chồng Dorbert tặng cậu con trai Kaiden nhân Ngày lễ tình nhân, và hát bài "Ba chú chim nhỏ" của Bob Marley.
Trong 99 phút tương đương với sinh mệnh của một con người, họ ôm ấp và an ủi đứa con bé bỏng của mình.
"Thằng bé chỉ vào ngực tôi, và chúng tôi chỉ biết âu yếm con. Bố mẹ tôi ôm cháu một chút. Và chúng tôi gần như dành cho con tất cả tình yêu thương cho đến khi con qua đời", Deborah nói.
Lúc 11:13 tối, một bác sĩ tuyên bố Milo đã qua đời.
Chiếc mũ và bộ quần áo vợ chồng nhà Dorbert chuẩn bị cho đứa con thứ hai của họ. Ảnh: The Washington Post |
Các y tá đã chụp một số bức ảnh, cắt một vài mẩu tóc màu nâu sẫm của Milo và in dấu tay và chân của cậu bé lên bìa trong cuốn sách của Kaiden trước khi đưa đứa trẻ xấu số xuống nhà xác. Nội tạng của Milo hoặc bị thiếu hoặc quá hư hỏng để hiến tặng, cơ thể của cậu quá nhỏ đến nỗi ngay cả van tim cũng không thể dùng để cứu một em bé khác.
Milo được hỏa táng, với một ít tro cốt được nhúng vào một mặt dây chuyền cho Kaiden và hai quả câu thủy tinh.
Deborah sợ rằng những kỷ vật đó sẽ luôn gợi lên trong cô nỗi đau.
Nhưng dần dần, cô nhận ra rằng mình có thể muốn một thứ gì đó để bám vào, hoặc như một thứ để dạy cho Kaiden.
“Cuối cùng, thằng bé có thể thắc mắc những gì tôi đã trải qua, luật pháp quy định điều này như thế nào", Deborah cho biết.
Hai tuần sau, khoảng 40 bạn bè và thành viên gia đình Dorbert tập trung tại Nhà tang lễ Lakeland và Vườn Tưởng niệm để dự tang lễ Milo.
Một chiếc bình bạc cao hơn 7 cm được đặt trên bàn tưởng niệm với 2 lọ hoa, được chọn cẩn thận tại siêu thị gần nhà cùng một bức ảnh Milo quấn trong chiếc chăn đan tay được bố mẹ ôm trên giường bệnh.
Deborah và Lee ngồi bất động và im lặng ở hàng ghế đầu khi người thân của họ dần ổn định chỗ ngồi. Thay vì để xõa như mọi khi, mái tóc thường của Deboray được vén ra sau và búi lại.
Toàn bộ tang lễ kéo dài khoảng 45 phút - bằng một nửa cuộc đời của Milo.
Mục sư từ một nhà thờ địa phương đọc lời răn cho những người có mặt. “Không phải mọi thứ xảy ra đều có lý do”, vị nữ mục sư nói, lặp lại lời bác bỏ của chính Deborah rằng cuộc đời của Milo mang một ý nghĩa tâm linh đặc biệt nào đó.
"Milo. Milo. Chỉ với một tình yêu nhỏ bé như vậy, cậu bé đã để lại một chỗ trống lớn trong tâm hồn và trái tim của chúng ta. Và không ai, không gì khác có thể lấp đầy hoàn toàn chỗ trống đó", mục sư Pamela Smith nói.
Deborah thỉnh thoảng cố nén tiếng nức nở hoặc quay sang nhìn Kaiden im lặng, cho đến khi cô không thể kìm nén cảm xúc của mình được nữa. Lee đưa tay ôm lấy thân hình mảnh khảnh đang run rẩy của vợ.
Ông Rogell nán lại nhà tang lễ sau khi những người khác rời đi, nhìn chằm chằm vào chiếc bình chứa tro cốt của đứa cháu thứ 16 của mình và cố gắng dàn xếp những nghi ngờ của bản thân về việc phá thai tự chọn với những tháng ngày đau khổ mà ông chứng kiến con gái mình và gia đình phải chịu đựng.
Ông Rogell có 7 người con và 16 người cháu, trước đó ông chưa từng trải qua nỗi đau mất con cháu. Ảnh: The Washington Post |
Giờ đây, ông bị ám ảnh bởi tiếng thở hổn hển của Milo và hình ảnh cơ thể đứa trẻ đang vật lộn để tránh khỏi cái chết không thể tránh khỏi.
“Đối với tôi, đó là sự tra tấn thuần túy. Luật pháp đã tạo ra sự tra tấn này", ông Rogell nói.
Thế rồi, những ai còn sống sẽ vẫn phải sống.
Deborah đưa đón Kaiden tới trường mầm non. Gia đình Dorbert thỉnh thoảng đi chơi thủy cung hoặc đi bộ trên những con đường mòn gần nhà. Họ muốn dành thời gian cho người thân.
Trong những lần ghé thăm đó, Deborah thường bế con gái của anh trai cô, sinh sau Milo vài ngày.
"Tôi mừng cho anh trai mình. Anh ấy có một bé gái quý giá, mang lại rất nhiều hạnh phúc cho gia đình anh ấy, và điều đó khiến tôi hạnh phúc. Nhưng liệu tôi có khó chịu khi nhìn thấy cháu mình vì con trai tôi mất không? Chắc chắn rồi", Deborah bộc bạch.
Cô cho biết mình đang phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo âu. Cô vẫn chưa quay lại công việc bán thời gian của mình. Và cô vẫn chưa tìm ra cách trả lời Kaiden, khi cậu bé hỏi liệu có thể gặp em trai mình không.
"Chúng tôi nói với con rằng Milo rất dễ cảm nhận, giống như gió vậy. Hoặc chúng tôi chỉ lên các vì sao và nói rằng Milo là một thiên thần đang ở cùng các vì sao", bà mẹ chia sẻ.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, gia đình Dorbert đang học cách vượt qua nỗi đau. Ảnh: The Washington Post |
Kaiden đã mang một tấm thiệp từ trường mầm non về nhà nhân Ngày của Mẹ. Chiếc thiệp có hình một gia đình gồm 4 từ các món đồ chơi cậu tạo ra, gồm mẹ, bố, Kaiden và bé Milo.
Deborah cho biết nỗi đau của cô trở nên khó nuốt trôi hơn khi quyết định bỏ thai sớm bị cản trở bởi các chính trị gia mà cô chưa từng gặp và những người không phải là bác sĩ.
Ngoài ra, gia đình Dorbert đang phải trang trải một gáng nặng tài chính sau ca sinh nở. Các hóa đơn chỉ ra rằng họ phải trả 12.320 USD cho chi phí y tế, chưa bao gồm phí nhập viện và sinh nở, 7.000 USD tiền hỏa táng và tang lễ cho Milo, cùng 500 USD tiền bỏ tro cốt vào các kỷ vật.
Các hóa đơn tiếp tục được gửi đến. Deborah ước tính rằng bảo hiểm y tế của Lee sẽ đỡ được khoảng một nửa chi phí y tế, một phần trong số đó sẽ được bù đắp số tiền quyên góp cô nhận được từ trang GoFundMe.
Gia đình Dorbert không biết nỗi đau của họ sẽ tiếp diễn như thế nào, hoặc liệu họ có bao giờ đối mặt với việc mất kiểm soát trước quyết định đau đớn nhất trong cuộc đời mình hay không.
“Hiện tại nó đang thực sự trở thành hiện thực của chúng tôi. Chúng tôi không biết 6 tháng sau sẽ như thế nào. Chúng tôi không biết một năm sẽ như thế nào. Chúng tôi chỉ đang vượt qua từng ngày một. Bởi vì đó là tất cả những gì chúng tôi thực sự có thể chịu đựng", Deborah nói.
Giữa tâm trạng chênh vênh, Deborah đã cố gắng tìm ra mục đích nào đó trong cuộc đời ngắn ngủi của Milo, chia sẻ câu chuyện về việc mang thai của cô một cách rộng rãi nhất có thể, ngay cả khi cô đã chứng kiến các nhà lập pháp Florida tìm cách hạn chế hơn nữa luật phá thai của tiểu bang.
Các thành viên trong gia đình ngạc nhiên khi thấy Deborah có lập trường công khai như vậy.
Ông Rogell nói: “Tôi luôn nghĩ con bé là một đứa trẻ nhút nhát".
Deborah Dorbert ở thai kỳ thứ 34. Ảnh: The Washington Post |
Nhưng Deborah muốn những người khác biết chuyện gì đã xảy ra, các chính trị gia đã can thiệp như thế nào vào các quyết định bằng một đạo luật khiến các bác sĩ sợ phải chấm dứt ngay cả những ca mang thai vô vọng.
“Nếu nó giúp ích cho một gia đình khác hoặc một người mẹ, thì điều đó thật tốt vì tất cả chúng ta ở đây để giúp đỡ lẫn nhau", Deborah khẳng định. "Đó không phải là điều dễ dàng để vượt qua một mình. Bạn cần tất cả sự hỗ trợ mà bạn có thể nhận được".