"Những người Honduras là những người bị tổn thương nhất ở Trung Mỹ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ phải di cư để cố gắng sống sót và tìm kiếm những cơ hội đã bị chính tổ quốc từ chối", Rodolfo Pastor - một thành viên của đảng cánh tả LR (Liberty and Refoundation) và phát ngôn viên của Liên minh đối lập, cho biết.
Ông Rodolfo Pastor - cựu Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Honduras. |
Liên minh đối lập này đã tìm cách hạ bệ Tổng thống Juan Orlando Hernández trong cuộc bầu cử vào năm 2017.
Khủng hoảng chính trị và "Chế độ độc tài" ở Honduras
Ông Pastor nhắc lại rằng Tổng thống hiện tại đã tìm cách tái tranh cử - hành vi này "chống lại Hiến pháp, thông qua các thể chế cho phép ông toàn quyền kiểm soát các tổ chức nhà nước", dẫn đến kết quả bầu cử năm 2017 không được thừa nhận trong hơn một tháng.
Một trong những đại diện của chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho cuộc bầu cử "tai tiếng" này. “Có một chương trình truyền thông, nơi giám đốc kinh doanh của Đại sứ quán Mỹ tại Honduras - Heide Fulton, được ủng hộ bởi chủ tịch của Tòa bầu cử cấp cao - David Matamoros, được công bố trước dư luận rằng kết quả của cuộc bầu cử là chính xác và họ ủng hộ việc tái đắc cử của Juan Orlando Hernández", ông Pastor cho biết.
Đây là một trong nhiều biểu hiện của sự can thiệp của Mỹ vào chính trường Honduras và gây ra một loạt các cuộc biểu tình trên đường phố khiến nhiều người chết bị bắt giam, tương tự như những gì đã xảy ra sau cuộc bầu cử năm 2013. Ông Pastor cho biết chính mình đã nhận được nhiều lời đe dọa và buộc phải rời khỏi đất nước năm 2017.
“Ngoài các vấn đề cố hữu như đói nghèo và bất bình đẳng mà khu vực này bị ảnh hưởng, hệ thống chính trị Honduras đang bị phân hủy và một chế độ độc tài đã được thành lập nhằm đàn áp nhân dân và củng cố quyền lực độc tài", theo ông Pastor.
Sự can thiệp của Mỹ
Ngày 11/10, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã gặp mặt Tổng thống Honduras và Guatemala, Phó Tổng thống El Salvador và Ngoại trưởng Mexico để tại hội nghị “Liên minh vì thịnh vượng” (Alianza para la Prosperidad). Trong cuộc họp, phái đoàn Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng làn sóng nhập cư.
“Đây là một hình thức hợp tác với Mỹ Latinh đã được đề xuất bởi Mỹ. Chương trình này sẽ tập trung vào cái gọi là "Tam giác phía bắc", ở những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bạo lực - El Salvador, Guatemala và Honduras", ông Pastor nói.
Liên minh mới này chủ yếu nhằm tài trợ tăng cường sức mạnh quân đội, lực lượng cảnh sát địa phương và hệ thống tư pháp của các quốc gia thuộc "Tam giác phía bắc". Chính sách này đã được khởi xướng từ thời của cựu Tổng thống Obama.
"Kẻ thù không còn là chủ nghĩa cộng sản, mà là buôn bán ma túy và chiến tranh chống ma túy, nơi Trung Mỹ là trạm trung chuyển giữa Nam Mỹ và Bắc Mỹ", cựu Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Honduras khẳng định.
"Ngay cả tên của tổ chức mới này cũng tương tự như “Liên minh vì sự tiến bộ” (Alianza para el Progreso) - tổ chức mà cựu Tổng thống John F. Kennedy thành lập vào đầu những năm 1960.
Các chiến lược tương tự đã được áp dụng ở các quốc gia khác nhau vào các thời điểm khác nhau: Kế hoạch Colombia, Kế hoạch Mérida và một chương trình có tên gọi 'Sáng kiến an ninh khu vực Trung Mỹ', ngụ ý thay đổi những ưu tiên, nhưng đảm bảo sự kiểm soát và liên minh của Mỹ trong khu vực", ông Pastor nói.
Làn sóng di dân gia tăng
Sự di cư của người dân Honduras đã tăng lên trong giai đoạn này, hình ảnh "đoàn lữ hành" kiểu này cũng không có gì mới.
Việc đi thành các nhóm lớn sẽ giúp bảo vệ mọi người khỏi các tổ chức tội phạm và bạo lực đường phố. Theo ông Pastor, ngoài 60.000 người Honduras được hưởng lợi từ chương trình tạm thời được đưa ra vào năm 1998 sau cơn bão lịch sử Mitch - chương trình mà Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ hủy bỏ - có khoảng một triệu người di cư bất hợp pháp từ Honduras ở Mỹ vào thời điểm hiện tại.
"Làn sóng di cư Honduras bắt nguồn từ sự suy thoái kinh tế và chính trị của đất nước. Mức độ bạo lực xã hội, vi phạm nhân quyền, cái chết của các nhà báo và các nhà hoạt động đã tăng lên"
Các nhóm người di cư Honduras thậm chí còn phân biệt với những người El Salvador và Guatemala bởi biểu ngữ đặc trưng để phản đối Tổng thống Hernández: “Out JOH!” - (Juan Orlando Hernández từ chức).
"Một trong những lý do khiến tình hình trở nên chính trị hóa là bởi mọi người bắt đầu liên kết các điều kiện sống của họ với việc bổ nhiệm một người mà họ không những bỏ phiếu ủng hộ, mà thậm chí còn bỏ phiếu chống lại, ngoài ra họ cũng bất lực khi kêu gọi người này từ chức trong các năm 2013 và 2017", cựu chính gia Honduras nói thêm.
"Có một sự khó chịu chung trong dư luận", đặc biệt trong số những người nghèo nhất - khoảng 6 trong tổng số 9 triệu người Honduras, trong đó có 4 triệu người sống dưới mức nghèo khổ.
“Đây là những người nhìn thấy một tầng lớp đặc quyền sống dựa trên sự đau khổ của họ và họ từ chối điều đó. Chúng ta có thể nghe thấy những tiếng hô: 'Out JOH!” ở mọi nơi, nó không chỉ nhắm vào Tổng thống mà còn chống lại hệ thống mà ông ta đại diện. Nó chống lại hệ thống đã ngược đãi tất cả những người này", ông Pastor kết luận.
Theo Sputnik