Cuộc sống bế tác của người dân Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Làm công việc y tá tại một trong những bệnh viện lớn của Kabul, Latifa Alizada là trụ cột gia đình, đồng lương của cô dùng để nuôi 3 cậu con trai nhỏ và người chồng thất nghiệp.
Phụ nữ đã xuống đường biểu tình chống Taliban tại Kabul. Ảnh: AFP
Phụ nữ đã xuống đường biểu tình chống Taliban tại Kabul. Ảnh: AFP

Sau khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul và thành lập một chính phủ mới, Alizada đang tạm thời thất nghiệp và chưa biết khi nào sẽ được đi làm.

Bà mẹ 27 tuổi này đã quyết định nghỉ việc vì các nhà chức trách mới tuyên bố tiền lương sẽ không được trả và áp đặt quy tắc buộc Alizada phải đeo khăn che mặt và bị cách ly khỏi các đồng nghiệp nam.

"Tôi đã bỏ việc vì không có lương", Alizada vừa nói vừa ôm hai đứa con trong lòng. "Nếu tôi đến đó, họ sẽ nói: không được ăn mặc như này, không được làm việc với đàn ông, hãy làm việc với phụ nữ. Điều đó hoàn toàn là không thể. Đối với chúng tôi, không có sự phân biệt giữa nam và nữ, bởi vì chúng tôi là nhân viên y tế."

Những người dân Afghanistan như Alizada lo lắng về tương lai phía trước dưới thời Taliban.

Tại các khu chợ ở Kabul, giá thực phẩm đang ngày càng tăng, cùng với đó là giá xăng dầu.

Liên Hợp Quốc tuần này cảnh báo giá các mặt hàng thiết yếu đang tăng vọt ở Afghanistan, đồng thời cho biết thêm: "Có những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực, lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá, tất cả dẫn đến việc tăng cường tình trạng khẩn cấp nhân đạo trên khắp đất nước."

Nhiều dịch vụ công đã ngừng hoạt động, trong khi cộng đồng quốc tế lại đang do dự về việc tài trợ cho Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban.

Trong một số lĩnh vực còn hoạt động, Taliban đã đưa ra mức lương cực kỳ khác nhau.

Một cựu nhân viên hải quan cho biết ông đã làm việc tại cửa khẩu Spin Boldak giáp biên giới với Pakistan trong hơn 7 năm.

Dưới thời chính phủ trước đây, ông kiếm được khoảng 240 USD/tháng, nhưng chính quyền Taliban nói rằng họ sẽ chỉ trả cho ông 110 USD.

"Họ nói muốn làm tiếp hay không thì tùy", người này nói. Sau khi cân nhắc các khoản chi phí đi lại, người này quyết định nghỉ việc.

Cảnh tượng những đám đông lớn xếp hàng chờ vào ngân hàng để lấy tiền mặt hiện đã trở nên phổ biến trên khắp Afghanistan.

Ngân hàng trung ương của đất nước chỉ được tiếp cận với một phần nhỏ nguồn tài chính thông thường, bị cắt đứt khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế và khó tiếp cận được dự trữ ngoại tệ của đất nước.

Trước tình trạng thiếu hụt tiền mặt, chính quyền Taliban quy định mỗi người dân chỉ được rút tối đa 200 USD/tuần.

Tại một chi nhánh của Ngân hàng Kabul, một nhân viên bảo vệ có vũ trang nắm chặt một sợi dây cáp điện để dùng làm roi trong trường hợp đám đông rút tiền có ý định chen lấn.

Abdullah - một cựu quân nhân chính quyền cũ cho biết anh đã di chuyển một quãng đường rất dài từ quê nhà giáp nước láng giềng Tajikistan để tới Kabul rút tiền.

"Sau khi chính phủ sụp đổ, tất cả các ngân hàng đều đóng cửa", cựu quân nhân 31 tuổi nói. "Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng không kịp rút tiền lương trước khi Taliban tiến vào Kabul."

Một chủ cửa hàng đồ dùng nhà bếp ở Kabul than phiền về tình trạng vắng khách kể từ khi Taliban xuất hiện.

“Kể từ đó, mọi hoạt động kinh doanh đều dừng lại", người đàn ông nói. "Chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Mọi người đều ở trong nhà của họ vì không có việc làm."

Với giá thuê mặt bằng cao và thu nhập gần như về không, người này lo lắng về việc nuôi sống gia đình 5 người của mình.

"Chúng tôi không còn đủ tiền để nuôi sống bản thân. Mọi người lo lắng về việc làm thế nào để tìm kiếm đủ hai bữa sáng, tối. Mọi người đều lo lắng cho tương lai của họ."

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.