Hệ thống trường chuyên tại Việt Nam ra đời vào khoảng năm 1965, bắt đầu từ những lớp chuyên toán tại các trường đại học, sau đó được thiết lập rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố. Điểm qua kết quả của một số trường chuyên lớn để thấy những đóng góp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2016, Bộ GD&ĐT cho rằng, Đề án phát triển hệ thống trường chuyên đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội về mục tiêu trường chuyên.
Mạng lưới trường chuyên từng bước được hoàn thiện, quy mô trường lớp và học sinh được mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên từng bước được tăng cường.
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường chuyên chuyển biến đáng kể về chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực đội ngũ được các cấp quản lý giáo dục quan tâm.
Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua;
việc giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục nước ngoài đã được một số trường chuyên thực hiện.
Ví dụ, nhìn vào bảng phía trên cho thấy, trong giai đoạn 2010-2016 trong kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh trường chuyên của cả nước giành được 37 huy chương vàng, 63 huy chương bạc và 54 huy chương đồng.
Về tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cho biết đã ban hành Thông tư 12/2014/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên nhằm đổi mới, tăng quyền tự chủ cho các địa phương về công tác tuyển sinh vào trường chuyên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng thông tin, để đánh giá sát hơn năng lực thực tế của học sinh, Bộ đã hướng dẫn sử dụng bộ công cụ trắc nghiệm đánh giá chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) của học sinh hỗ trợ việc tuyển sinh vào các trường như: Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), Trường chuyên Bắc Giang và Trường chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương); Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) và Trường chuyên Hùng Vương (Phú Thọ).
Dù sử dụng kết quả trắc nghiệm trong tuyển sinh vào trường chuyên nêu trên còn ở mức độ ban đầu nhưng từ kết quả đo được cho thấy đây là cơ sở quan trọng trong việc phát hiện năng lực tư duy khoa học, khả năng xử lý thông tin và khả năng vượt khó của học sinh.
Là một trong những kênh thông tin quan trọng cho việc định hướng xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển năng khiếu của học sinh, đặc biệt trong việc đổi mới dạy học theo hướng định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh hiện nay.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra 4 hạn chế của trường chuyên.
Thứ nhất, việc xây dựng các trường chuyên có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục tốt ở một số địa phương chưa được triển khai mạnh và chưa đạt những kết quả rõ rệt.
Thứ hai, một số trường chuyên còn hạn chế trong việc phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Thứ ba, việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy học hiện đại; việc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn hạn chế.
Thứ tư, năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trường chuyên còn hạn chế.
Việc triển khai thí điểm dạy học môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh chưa được mở rộng; thí điểm dạy học nội dung giáo dục tiên tiến của nước ngoài chưa được thực hiện ở nhiều trường chuyên.