Tại lễ trao giải lần này, đạo diễn, nhà biên kịch, nhà báo Trần Quốc Sơn (HTV) cùng lúc được trao 2 giải thưởng với 2 tác phẩm phim điện ảnh “Danh họa Diệp Minh Châu” và “Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên” cùng nhóm đạo diễn và quay phim Lâm Lê Dũng,Nguyễn Thu và Lê Thanh Quang…
Dịp này, ông Trần Quốc Sơn có những chia sẻ với Ngày Nay xung quanh hai bộ phim vừa đạt giải thưởng này.
Đạo diễn, nhà biên kịch, nhà báo Trần Quốc Sơn - Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Chúc mừng đạo diễn Trần Quốc Sơn! Ông vui lòng khắc họa đôi nét về “Danh họa Diệp Minh Châu” trong bộ phim tài liệu vừa được trao giải?
Ông Trần Quốc Sơn: Vâng! Trước khi thực hiện bộ phim này, bản thân tôi phải dành hết tâm huyết, sưu tầm, đi thực tế và nghiên cứu tư liệu về ông. Tôi và nhóm làm phim nghĩ rằng, ông không chỉ là một họa sĩ thành công với đề tài Bác Hồ, đề tài miền Nam, Diệp Minh Châu còn là nhà điêu khắc tên tuổi trong giới nghệ thuật tạo hình. Nhiều tác phẩm của ông đã đi vào lịch sử, trở thành tài sản quý của nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn trong nước.
Đam mê vẽ và nổi tiếng vẽ giỏi, ngay từ nhỏ, ông đã được bạn bè gọi là Châu “vẽ”. Đi học, đi chơi hay mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại cầm lấy cây cọ, thậm chí qua bài giảng của thầy cũng được ông thể hiện thành những trang vẽ sinh động.
Năm 1940, ông đỗ thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trong hai trường mỹ thuật có quy mô nhất châu Á thời ấy. Những bức tranh: “Trăng thu”, “Nhớ mong”, “Hương sắc”… bắt đầu gây được sự chú ý của giới làm tranh và người thưởng ngoạn mỹ thuật. Các giải thưởng quý giá mang ý nghĩa động viên tinh thần chàng họa sĩ trẻ xứ Dừa liên tiếp đến với ông trong các lần Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, qua những tác phẩm: “Văn Miếu” (Huy chương Đồng-1942), “Cầu nguyện” (Huy chương Bạc-1943).
Cách mạng Tháng Tám như một làn gió mới làm thay đổi cuộc đời của Diệp Minh Châu. Cùng với bao nhiêu sinh viên học sinh, thanh niên tiến bộ 3 miền, Diệp Minh Châu tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Ông vừa hăng hái tham gia Phong trào Truyền bá Quốc ngữ, vừa chăm lo vẽ bìa cho các bản hùng ca của Lưu Hữu Phước và thiết kế mỹ thuật cho các đêm trình diễn của ban kịch Tổng hội Sinh viên Hà Nội.
Do Nhật đảo chính Pháp, Diệp Minh Châu không tốt nghiệp được từ trường Mỹ thuật. Ông trở về quê nhà, tiếp tục sáng tác để tổ chức Triển lãm tại Bến Tre và Mỹ Tho với mục đích lấy tiền giúp nạn đói kinh hoàng ở miền Bắc năm Ất Dậu (1945)…
Đạo diễn Trần Quốc Sơn: "Chưa nói đến tài năng, chỉ sự dấn thân của biên kịch, đạo diễn cũng đã tạo dựng được cơ sở quan trọng để có một bộ phim gây xúc động" - Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Dù là nghệ sĩ cầm cọ, trong hoàn cảnh chiến tranh, Diệp Minh Châu vẫn hăng hái hoạt động trong phong trào yêu nước và sát cánh theo từng bước đi của nhân dân trong cuộc đấu tranh trừ giặc giữ nước. Được đi theo những đơn vị Vệ quốc đoàn, đến nhiều nơi như: Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc và vùng Đồng Tháp Mười. Cây cọ vẽ của ông lại có dịp ghi lại những cảnh lao động, sản xuất, bố phòng, hành quân như: "Phong cảnh Đồng Tháp Mười", "Lớp học bình dân trong lán ven rừng", "Qua rừng Lá", "Du kích qua làng", "Chiến sĩ rẽ lau"…
Trong những ký họa vẽ ngay trên trận địa còn vương khói súng, đáng chú nhất là bức “Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong”, được ông vẽ bằng chính máu của người chiến sĩ ấy và đặc biệt là bức tranh “Bác Hồ và 3 cháu nhi đồng Bắc – Trung - Nam”, được ông vẽ bằng chính những giọt máu của mình…
Bộ phim này, chúng tôi thực hiện một tập với thời lượng 30 phút, khởi quay từ năm 2018 và hoàn thành năm 2022.
Ông có thể cho biết cảm xúc khi thực hiện bộ phim điện ảnh về Tây Nguyên và vì sao đặt tên là “Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên”?
Ông Trần Quốc Sơn: Đặc biệt khi làm bộ phim này, tôi rất vui được phối hợp và làm việc chung với nhà quay phim Lâm Lê Dũng (con trai út của nhạc sĩ Hoàng Việt). Chúng tôi làm việc rất ăn ý và bộ phim đã được hoàn thành vào 2018.
Chúng tôi lấy bối cảnh 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết ở đây có trên dưới 20 thành phần dân tộc bản địa thuộc 2 nhóm ngôn ngữ khác nhau: Môn Khơme và Malayô - Pôlônêxia. Giữa các thành phần dân tộc ấy, do sự tác động của quy luật giao lưu văn hoá, địa bàn cư trú đan xen, trình độ phát triển kinh tế xã hội ..., đã tạo ra một số nét văn hoá tương đồng, song, mỗi dân tộc lại có một truyền thống văn hoá riêng, trong đó âm nhạc là một thành tố biểu hiện rõ nét nhất, độc đáo nhất và dễ nhận biết nhất không thể tách rời bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc.
Theo Trần Quốc Sơn: "Làm phim về nhân vật nào cũng vậy, phải hiểu rõ nhân vật đó, sống cùng nhân vật đó như người thân của mình" - Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Nói đến bản sắc âm nhạc Tây Nguyên là nói đến cả một vùng văn minh nương rẫy, với phương thức sản xuất chủ yếu và cơ bản là chọc trỉa; là nói đến một nền văn hóa được ra đời trong xã hội tiền nhà nước. Đó là nền văn hóa mang tính nguyên hợp, trong đó âm nhạc nổi lên như một thành tố chủ đạo, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của con người từ thưở mới lọt lòng mẹ cho đến lúc về với thế giới Atâu. Đó là một quá trình phát triển năng động và sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt chiều dài của lịch sử.
Phải nói rằng, từ lâu, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được giới thiệu trên một số tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng đã được một số nhạc sĩ khai thác và sử dụng chất liệu của nó để sáng tạo nên một số tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo người yêu thích âm nhạc trong cả nước đón nhận một cách trân trọng.
Và cũng chính từ hiểu biết về Tây Nguyên và những cảm xúc đó, chúng tôi thống nhất đặt tên cho phim là “Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên”…
Điều gì ông cũng như những người làm phim tài liệu Việt Nam phải suy nghĩ trước một xu thế làm phim tài liệu hiện đại của thế giới, thưa ông?
Ông Trần Quốc Sơn: Chúng tôi còn nhiều điều trăn trở. Khi phim tài liệu ở Việt Nam đang có xu hướng nở rộ chứng tỏ phim tài liệu đã thật sự có bước đi mạnh mẽ, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khán giả. Lý do trước hết phải kể đến việc nhà biên kịch và đạo diễn đã tích cực đến gần hơn với khán giả bằng cách đa dạng hóa đề tài, nội dung.
Tuy nhiên, trước một thực trạng cũng như xu thế làm phim tài liệu theo cách hiện đại của thế giới, chúng tôi phải, đã và đang được đào tạo một cách bài bản, ngày càng tiếp cận gần hơn với trình độ làm phim hiện đại của thế giới, chịu khó tìm tòi đổi mới cách kể chuyện, dấn thân vào đề tài khó, thậm chí gai góc, với thái độ tôn trọng sự thật, không lên gân, để bộ phim tự nói lên nội dung cần truyền tải, nhờ vậy tiếng nói của họ thường nhận được sự đồng cảm của khán giả.
Chưa nói đến tài năng, chỉ sự dấn thân của biên kịch, đạo diễn cũng đã tạo dựng được cơ sở quan trọng để có một bộ phim gây xúc động. Với phim tài liệu, ở khía cạnh nào đó, biên kịch đạo diễn cũng giống như nhà báo, vì phải có mặt tại "điểm nóng", nơi câu chuyện họ quan tâm đang xảy ra, nhân vật họ quan tâm đang ở đó, để đồng cảm, ghi lại và kể lại sự thật bằng ngôn ngữ điện ảnh, nên phim tài liệu có vị trí rất quan trọng trong điện ảnh nói riêng của nước nhà cũng như từng bước sánh kịp với thế gới.
Ông Trần Quốc Sơn với các giải thưởng trong thời gian qua - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong quá trình làm nghề, được biết ông đã được trao nhiều giải thưởng. Ông có thể cho biết cảm nghĩ của mình nhân niềm vui này cũng như những trăn trở và ấp ủ trong tương lai?
Ông Trần Quốc Sơn: Tôi nhận thấy mình còn phải tích lũy nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và học hỏi nhiều hơn nữa từ sách vở và các đàn anh đi trước mới có thể tiếp cận các đề tài mới, sát với cuộc sống và đặc biệt là đề tài về nhân vật lịch sử như là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đề tài về Bác có lẽ không bao giờ cạn nhưng quan trọng là cách tiếp cận đề tài đó như thế nào, bởi một tác phẩm báo chí sẽ chỉ được công chúng đón nhận và tác phẩm nghệ thuật phải được sống mãi trong lòng công chúng, phải chứa đựng nhiều thông tin và phải có tính phát hiện.
Theo tôi thì làm phim về nhân vật nào cũng vậy, mình phải hiểu rõ nhân vật đó, sống cùng nhân vật đó như người thân của mình. Có một thực tế khách quan là khán giả ngày nay đã khác, thị hiếu cũng khác, do đó, những giá trị nghệ thuật cũng thay đổi. Không thể đem những giá trị của hôm qua để so sánh với những giá trị của hôm nay.
Và trong đợt tham gia trại sáng tác của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM 2021, tôi đang viết kịch bản phim tài liệu dài tập về “Bác Hồ trong lòng người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long”…
Xin cảm ơn và chúc mừng đạo diễn Trần Quốc Sơn cùng nhóm làm phim!
Trần Quốc Sơn là đạo diễn, nhà biên kịch, nhà báo. Bút danh Hồng Anh. Năm 2022, ông được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam 25 năm.
Ngoài hai giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ 3 (từ năm 2018-2022) cho tác phẩm “Danh họa Diệp Minh Châu” và “Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên”, ông còn nhận được vô số giải thưởng khác, như:
+ Giải phim truyện xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Thể Thao và Du lịch của nước Ý tổ chức tại Đà Nẵng 2007, phim truyện 90 phút “Bức Họa Tình Yêu” - Hãng phim Giải Phóng sản xuất.
+ Giải B – Giải Báo chí Quốc gia của Ban Tuyên giáo Trung Ương năm 2008 - phim truyện 90 phút “Bức Họa Tình Yêu”.
+ Giải Vàng - Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2015, phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm”.
+ Giải 3 – Giải Báo chí TP.HCM 2015, phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm”.
+ Giải Vàng – Giải thưởng Hội điện ảnh TP.HCM, phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm”.
+ Giải Cánh diều Bạc 2017, phim “Đất Mặn”.
+ Giải vàng - Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2020, phim tài liệu nghệ thuật "Ra biển lớn"….