5% người thất nghiệp học nghề
Học nghề được xem là kênh giúp lao động tiếp cận nhanh nhất với thị trường lao động, tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tỷ lệ lao động thất nghiệp đăng ký tham gia học nghề lại rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ số người được hỗ trợ học nghề so với số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không cao, năm 2015 đạt 3,8%; năm 2016 đạt 4,8%, năm 2017 chỉ đạt 5,1%.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), nguyên nhân lao động thất nghiệp học nghề thấp là do mức hỗ trợ học nghề chưa cao. Mức hỗ trợ hiện nay chỉ phù hợp với các nghề nông nghiệp, trình độ sơ cấp.
“Riêng với những nghề trình độ cao như: Kỹ thuật trang điểm, lái xe hạng B2, lái xe hạng C… thì mức hỗ trợ này quá thấp khiến lao động phải tự bỏ tiền túi để học. Thêm vào đó, cùng một nghề đào tạo nhưng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác nhau lại có mức học phí khác nhau, khiến lao động băn khoăn” – ông Minh nói. Mặt khác, khi lao động thất nghiệp, họ rất sợ phải đi học nghề vì tốn thời gian, tốn tiền. Do đó, họ không đi học nghề mà tìm việc tạm thời để lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Trước thực trạng đó, mới đây Bộ LĐTBXH đã dự thảo quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN. Trong đó đề xuất hỗ trợ chi phí đi lại trong quá trình người lao động tham gia học nghề.
Theo báo cáo của các địa phương, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được cơ quan liên quan tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Hỗ trợ người tham gia BHTN
Tại dự thảo, Bộ LĐTBXH đã đề xuất mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN. Theo đó, ngoài hỗ trợ tiền học phí, lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ cả tiền đi lại. Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
“Mức hỗ trợ tiền đi lại đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng là 300.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng là 100.000 đồng/người/tháng, tùy theo thời gian học nghề thực tế” – ông Tiến nói. Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính tròn là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.
Đối với người lao động tham gia BHTN tham gia khóa đào tạo nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ theo quy định trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học phí học nghề do người lao động tự chi trả.