Nền kinh tế châu Á có thể sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay, lần đầu tiên sau 60 năm, theo báo cáo về khu vực châu Á-Thái Bình Dương được IMF công bố hôm thứ Năm.
"Do sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách phải cung cấp các khoản hỗ trợ cho hộ gia đình và công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các lệnh phong tỏa, các chính sách cách ly xã hội và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn đại dịch", Changyong Rhee, giám đốc IMF Châu Á và Thái Bình Dương, cho biết.
Đây là thời điểm không chắc chắn và đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng không ngoại lệ. Tác động của dịch COVID-19 đối với khu vực sẽ rất nghiêm trọng, ông Rhee tuyên bố.
"Đây không phải là thời gian để kinh doanh như bình thường. Các nước châu Á cần sử dụng tất cả các công cụ chính sách của mình", vị chuyên gia cảnh báo.
Mặc dù châu Á được cho là sẽ chịu ít thiệt hại bởi dịch bệnh hơn so với các khu vực khác, mức dự báo này còn tệ hơn tốc độ tăng trưởng trung bình 4,7% trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và mức tăng 1,3% trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, IMF cho biết.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 7,6% vào năm tới với giả định rằng các chính sách ngăn chặn dịch bệnh thành công.
Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra bởi sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, đại dịch COVID-19 đã trực tiếp tấn công vào ngành dịch vụ khi buộc người dân phải ở trong nhà, IMF cho biết.
Các cường quốc xuất khẩu trong khu vực cũng đang chứng kiến nhu cầu hàng hóa của Mỹ và châu Âu suy giảm kể từ dịch bệnh bùng phát.
Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm nay, giảm từ mức tăng trưởng 6% trong dự báo tháng 1 của IMF.
IMF cũng cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ hồi phục vào cuối năm nay, với mức tăng trưởng sẽ tăng trở lại 9,2% vào năm tới.
IMF cho biết, các chính phủ châu Á phải cung cấp những khoản hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình và các công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, IMF cũng kêu gọi nỗ lực cung cấp thanh khoản dồi dào cho thị trường và giảm bớt căng thẳng tài chính mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt.
Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nên khai thác các hoạt động giao dịch song phương và đa phương, tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức đa phương và sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn khi cần thiết để chống lại bất kỳ dòng vốn gây rối nào do đại dịch gây ra, IMF cho biết.