Chính phủ Pháp sau đó cho biết nếu những thông tin của tờ Le Monde về Tổng thống Macron là sự thật, họ sẽ rất nghiêm túc xem xét sự việc. Các nhà chức trách sẽ điều tra để làm sáng tỏ các thông tin liên quan.
Theo các nguồn tin của tờ Le Monde, một trong những số điện thoại mà ông Macron thường xuyên sử dụng từ năm 2017 đã nằm trong danh sách đen được cơ quan tình báo của Maroc theo dõi.
Đầu tuần này, chính phủ Maroc đã phủ nhận mọi thông tin liên quan đến việc theo dõi điện thoại của Tổng thống Pháp và khẳng định đó là "những cáo buộc vô căn cứ và sai trái".
Cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe và 14 Bộ trưởng khác cũng thuộc diện bị theo dõi vào năm 2019, Le Monde cho biết.
Một cuộc điều tra được công bố vào Chủ nhật bởi 17 hãng thông tấn, dẫn đầu bởi nhóm báo chí phi lợi nhuận Forbidden Stories có trụ sở tại Paris, cho biết phần mềm gián điệp Pegasus được sản xuất và cấp phép bởi công ty NSO của Israel, đã được sử dụng để đột nhập vào điện thoại của các nhà báo, các quan chức chính phủ và các nhà hoạt động nhân quyền trên phạm vi toàn cầu.
NSO đã bác bỏ cáo buộc, cho rằng nó "đầy những giả định sai lầm và lý thuyết chưa được kiểm chứng". Sản phẩm của công ty này chỉ được sử dụng cho các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của chính phủ để chống khủng bố và tội phạm.
Trong khi đó, tờ Le Monde nhấn mạnh họ không có quyền truy cập vào điện thoại của Tổng thống Macron và do đó không thể xác minh xem nó có thực sự bị theo dõi hay không, nhưng tòa soạn này có thể xác minh các số điện thoại khác, bao gồm cả điện thoại của cựu Bộ trưởng Môi trường Francois de Rugy.
Cũng trong ngày thứ Ba, văn phòng công tố Paris đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc của trang tin điều tra Mediapart và hai trong số các nhà báo của họ rằng họ đã bị phía Maroc theo dõi bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus.
Mediapart cho biết trong một Tweet: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là các cơ quan tư pháp thực hiện một cuộc điều tra độc lập về hoạt động gián điệp trên diện rộng do Maroc thực hiện ở Pháp".
Tuyên bố của công tố viên Paris không đề cập đến chính phủ Maroc và chỉ nói rằng họ đã quyết định mở cuộc điều tra sau khi nhận được đơn khiếu nại từ Mediapart và các phóng viên.
Tờ The Guardian của Anh, một trong những hãng thông tấn liên quan, khẳng định vụ điều tra chỉ ra "tình trạng lạm dụng rộng rãi" đối với phần mềm theo dõi của NSO. Truyền thông phương Tây mô tả Pegasus là phần mềm độc hại lây nhiễm vào điện thoại thông minh để cho phép trích xuất tin nhắn, ảnh và email, ghi âm cuộc gọi và bí mật kích hoạt micrô.
Người sáng lập NSO Group Shalev Hulio khẳng định Pegasus có chức năng ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và cứu sống sinh mạng.
Hulio cho biết trong 11 năm tồn tại, NSO đã làm việc với 45 quốc gia và từ chối cộng tác với gần 90 quốc gia khác.