Trung - Nga lợi ích song trùng
Mỹ đã không đánh giá đúng mức hậu quả của việc cô lập Nga và những bước dịch chuyển chiến lược của Nga để phá thế cô lập đó. Ngay cả khi Mỹ đã phát những tín hiệu tích cực qua chuyến đi của Ngoại trưởng John Kerry đến Sochi, để gặp và trao đổi với Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov, thì Nga cũng tỏ ra không hào hứng.
Chính quyền Putin đã đưa ra thông điệp thờ ơ với Washington thể hiện qua việc chỉ nhận lời thu xếp cuộc gặp của Kerry với Putin vào phút chót. Sau đó, ông Kerry cũng phát biểu rằng các bên không muốn có một “sự đột phá lớn”.
Trong khi nỗ lực ngoại giao của Mỹ đạt kết quả rất hạn chế thì các tàu chiến của Nga và Trung Quốc ùn ùn tiến vào Đông Địa Trung Hải để cùng nhau tập trận lần đầu tại đây. Cuộc tập trận chung này chính là một biểu tượng cho liên minh đang được hàn gắn nhanh chóng giữa hai cường quốc quân sự.
Bắc Kinh vừa đầu tư 9 tỷ USD vào một dự án đường sắt của Nga cùng với hàng chục hiệp định thương mại và song phương thể hiện mối quan tâm chung ở Trung Á.
Về phần Nga thì để đáp ứng cơn khát nguồn năng lượng vô đáy của Bắc Kinh và nhu cầu tiền mặt của mình, Nga đã ký một hiệp ước xây dựng một đường ống dẫn khí đốt rất có lợi cho Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước này cũng đã đạt xấp xỉ 100 tỷ USD và sẽ tăng nhanh đến con số 200 tỷ USD.
Trung Quốc và Nga vừa ký một hiệp ước không tấn công mạng internet lẫn nhau. Trong khi đó Mỹ và các nước phương Tây vẫn lo chống lại các cuộc tấn công mạng internet từ tin tặc của cả Trung Quốc và Nga.
Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh và Mátxcơva đoàn kết với nhau ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong những lần bỏ phiếu có thể gây nguy hại đến họ hoặc đồng minh của họ, phong tỏa hoặc phủ quyết các đề xuất nghị quyết của phương Tây và Mỹ về Syria, Ukraine.
Nỗ lực vô vọng của Mỹ
Ngoại trưởng John Kerry cho biết đã trao đổi với Putin và Lavrov về tình hình Ukraine, về sự hậu thuẫn của Nga với Tổng thống Syria Bashar Assad cũng như với các đồng minh khác trên khắp thế giới. Tuy vậy, ông Kerry đã không đạt được mục đích nào, kể cả trong chủ đề Nga bán hệ thống tên lửa phòng thủ S-300 cho Iran.Với thực tế cuộc gặp đó, khó có thể xác định bên nào là bên bị cô lập.
Tập Cận Bình và Putin trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. (Ảnh: RT) |
Ngay trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng ở Mátxcơva, nếu người ta không thấy các nhà lãnh đạo phương Tây thì thay vào đó là hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin tại vị trí trang trọng nhất. Với hình ảnh này, ông Tập đã nâng mức quan hệ đồng minh Trung - Nga lên tầm cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã biết cách làm thế nào để khai thác sự căng thẳng trong quan hệ Trung-Xô và lấy đi của Liên Xô một trong những đồng minh tư tưởng lớn nhất. Nhưng đó là thời kỳ mà Mỹ triển khai quân sự khắp thế giới để đối phó với Liên Xô và chủ nghĩa Cộng sản.
Ngày nay, tình hình đã khác hoàn toàn khi chủ nghĩa cộng sản ở Nga và Đông Âu không còn nữa và các khái niệm chính trị đã thay đổi rất nhiều cũng như lợi ích quốc gia đã được xác định lại. Lúc này Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea và hàng loạt diễn biến mới ở Biển Đông.
Trong khi ông Obama còn phải tranh cãi với đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ về thỏa thuận thương mại TPP thì ông Putin đã xây dựng trụ cột thực sự của mình ở châu Á. Một trụ cột tương tự của nước Mỹ vẫn còn chưa hình thành trên thực tế và thậm chí Mỹ còn đang mất dần các đồng minh ở Trung Đông và châu Á.
Dù liên minh Trung Quốc - Nga được cho là sẽ không mang lại những điều tốt đẹp do hàng loạt căng thẳng trong quan hệ quốc tế liên quan trực tiếp đến Bắc Kinh và Mátxcơva thì một số học giả gần đây đã đề cập đến một thế kỷ mới Trung-Nga.
Theo Dân trí
Xem thêm:
- NATO cáo buộc Nga triển khai vũ khí hạt nhân tại Đông Ukraine
- Cuộc chiến chống khủng bố IS: Thành công và thất bại
- Mỹ chuyển 1.000 vũ khí chống tăng đến Iraq để tiêu diệt IS