'Dòng chảy ngầm' của văn hóa đọc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bên cạnh dòng thời sự chủ lưu về dịch COVID-19, dường như chúng ta tưởng như ít quan tâm tới văn hóa đọc. Tuần qua cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động liên quan tới văn hóa đọc.
Các em học sinh yêu thích đọc sách. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.
Các em học sinh yêu thích đọc sách. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.

Cụ thể, vào đầu tuần, dự án có tên “Khuyến đọc Việt Nam” đã được Công ty sách Thái Hà Books phát động, với kì vọng việc khuyến đọc có thể lan tỏa mạnh mẽ trên toàn quốc và tạo ảnh hưởng tới cộng đồng...

Liền đó, Bảo tàng sách và văn hóa đọc Việt Nam do đơn vị này thành lập cũng chính thức mở cửa, với các ấn phẩm và hiện vật được trưng bày nhằm mục đích lưu giữ giá trị của ngành xuất bản, in ấn và chữ viết.

Vài ngày sau đó, tại thôn Như Lân (xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), một không gian văn hóa đọc cộng đồng với hơn 6.000 đầu sách được khai trương nhờ sự đóng góp của nhiều cá nhân, dưới sự khởi xướng của Tân Việt Books. Như kỳ vọng, đây sẽ là điểm đầu tiên trong chuỗi 300 không gian văn hóa đọc cộng đồng do đơn vị xuất bản này thiết lập trên toàn quốc trong tương lai.

Rồi, cũng trong tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản gửi các đơn vị liên quan trên toàn quốc về việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) của năm 2022 theo cách đảm bảo hiệu quả và phù hợp với công tác phòng, chống dịch.

Như thế, dù liên quan tới các đơn vị tư nhân hay cơ quan quản lý, những gì diễn ra cho thấy: Việc khuyến khích đọc sách và phát triển văn hóa đọc vẫn là một “dòng chảy ngầm”bất chấp dịch bệnh.

Thực tế, ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, dòng chảy ngầm ấy vẫn được duy trì đều đặn, mà ví dụ điển hình nhất là việc 2 hội chợ sách quốc gia trực tuyến đầu tiên đã lần lượt xuất hiện vào các năm 2020 và 2021 để thích ứng với tình hình mới.

Không có gì lạ, khi việc phát triển văn hóa đọc trong những năm gần đây lại trở nên bức thiết và luôn được quan tâm. Đó là đòi hỏi tất yếu của một xã hội đang bước sang giai đoạn phát triển, trong khi một khảo sát gần nhất ở thời điểm trước khi dịch bệnh bắt đầu (2019) cho thấy: Việt Nam chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, theo lượng sách xuất bản, mỗi người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/người/năm nhưng trong đó, có một nửa là sách giáo khoa.

Quả thật, như chia sẻ của nhiều đơn vị xuất bản, 2 năm dịch bệnh vừa qua là thời điểm khó khăn của ngành sách khi doanh số giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới việc đầu tư và mở rộng kinh doanh. Nhưng ở hướng ngược lại, quãng thời gian “sống chậm” vừa qua cũng là thời điểm cộng đồng có thêm thời gian đọc sách (dù có thể chưa sẵn sàng… mua sách).

Để rồi, với sự phát triển của mạng xã hội và Internet, hàng loạt những bài điểm sách hoặc những hội nhóm chia sẻ, giới thiệu và trao đổi sách ra đời. Một mạng lưới và cộng đồng đọc sách khổng lồ, có sự liên kết và tương tác - điều khó gặp ở những năm trước đây - và thói quen chọn sách, mua sách, thảo luận, bình luận về sách đã hình thành và tạo thuận lợi cho việc phát triển văn hóa đọc của tương lai.

Xây dựng văn hóa đọc cho một dân tộc là một quá trình lâu dài và khó đạt tới một kết quả lớn ngay trong thời gian ngắn. Nhưng bây giờ, khi giai đoạn “hậu COVID-19” đang tới gần và đòi hỏi sự tăng tốc của toàn xã hội để bù lại những gì đã mất trong 2 năm qua, dòng chảy của văn hóa đọc cũng đang đứng trước những cơ hội lớn để được tiếp sức, phát triển và từng bước trở thành trào lưu xứng với vị trí của mình.

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.