Đào đá mồ côi giữa rừng phòng hộ
Thời gian gần đây, Ngày Nay liên tục nhận được thông tin cầu cứu từ người dân xã Thanh Sơn phản ánh tình trạng phá rừng, khai thác đá mồ côi tồn tại nhiều năm qua. “Các anh cứ đến km107 của QL20, rẽ trái theo bảng chỉ dẫn và tự tìm theo vệt bánh xe ben nhé. Tôi phải hủy số điện thoại này chứ không họ biết thì hại tôi mất”, nguồn tin của Ngày Nay rất lo lắng về việc bị trả thù nên phải chọn cách như vậy.
Đầu tháng 6/2021, từ lời chỉ dẫn, chúng tôi phải lên đường từ sáng sớm, đến Lâm Trường 3, xã Ngọc Định, huyện Định Quán thì đã giữa trưa. Người dân địa phương kể: “Xe ben chở ghê lắm, nhiều năm nay rồi. Nhưng ai nói là họ đánh chết. Các anh vừa qua cầu treo là có người theo rồi nên hỏi thêm là làm khó chúng tôi.”
Và quả nhiên, chúng tôi vừa đi thì có 2 xe mô tô không bảng số bám đuôi vào tận sâu trong rừng phòng hộ. Bên trái con đường là những thửa đất trồng cây ăn trái và nhiều nhà dân, phía còn lại là cây rừng tự nhiên xen lẫn cây lâu năm đã được trồng trước đó.
Qua chợ Lâm Trường 3 khoảng 3km, từ xa trong rừng vọng ra tiếng máy đào. Sau khi xác định chính xác vị trí công trường bằng thiết bị bay điều khiển từ xa (flycam), chúng tôi băng vào rừng và gặp đoàn xe ben đang chờ xe máy đào mở đường, trên thùng mỗi xe chở 2 - 3 tảng đá mồ côi lớn, đường kính khoảng hơn 1,5m.
Tiếp tục theo vệt bánh xe trên đất đi tiếp khoảng 500m là nhiều vườn mít, bưởi đã hơn hai năm tuổi, một số thửa chỉ mới trồng cách đây không lâu. Trong các vườn cây ăn trái còn ngổn ngang cây rừng bị hạ nhiều năm trước. Cá biệt nhiều vườn cây ăn trái trồng xen kẽ các mảng rừng nguyên sinh còn sót lại. Tại một khu vườn rộng hơn 5ha, nhiều nông dân đang trồng mít trên đồi đất mới. “Đất ở đây bán 1 tỷ một hecta. Đất lâm nghiệp nên không có sổ đỏ, chỉ có sổ xanh (là từ lóng, ám chỉ tiền màu xanh - PV)”, một người dân nói.
Toàn cảnh bãi khai thác đá mồ côi và các xe ben chở đá đi chế biến |
Tiếp tục đi theo tiếng động cơ khoảng 1km, băng qua các vườn và rừng phòng hộ là đến một bãi khai thác đá lớn, có 2 xe đào đang hoạt động. Vô số tảng đá mồ côi khổng lồ đã được đào lên chất thành đống, sau khi cưa hạ cây rừng. Tiếng máy xe đào núi đau nhói trong tim, cảm giác như ai đó đang đâm những nhát dao vào cơ thể. Những tiếng máy nổ nghe thật xót xa, đúng như nguồn tin chúng tôi đã nói qua điện thoại: “Họ phá hết rừng rồi, moi cả đá núi lên anh ạ”.
Xe ben chở đá bất chấp nguy hiểm
Sau khi ghi nhận thực tế, chúng tôi tiếp tục nán lại khu vực này xem động tĩnh. Đến khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi bám theo 2 chiếc xe ben chở đá từ từ ra khỏi rừng. Cả hai đều không gắn biển số phía sau xe, đằng trước chiếc xe dẫn đường mang BS: 60C - 022.18, chiếc thứ hai là: 60C - 291.44.
Trên mỗi xe là 3 tảng đá mồ côi lớn, không gắn bửng hay cột neo trông vô cùng nguy hiểm. Các xe ben di chuyển qua chợ chiều Lâm Trường 3 một cách khó khăn vì đường đông lại hẹp. Nhìn các xe ì ạch qua chợ khiến nhiều người rùng mình. Hai chiếc xe sau đó chạy nhanh về một xưởng cắt đá lớn của Công ty TNHH Xây dựng TM Khang Trang do ông Trần Đình Luật làm Giám đốc.
Công ty này nằm trên thửa đất rộng hơn 1.000m2, trong sân chất nhiều đống đá mồ côi lớn. Một người nông dân ở gần xưởng nói: “Trước kia đất đó là đất rừng, đất trồng lúa mà nay họ làm công ty”. Bất ngờ trước thông tin “trồng lúa” nên chúng tôi gặng hỏi thì người này cười, đáp lời: “Trước là rừng, sau dân đến làm lúa, nay họ đổ đất san lấp mặt bằng làm nhà xưởng cắt đá. Họ có thân thế lắm mới làm vậy được?!”.
Xe ben chở đá chuẩn bị ra khỏi rừng |
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn bà Trần Thị Mỹ Phúc cho biết, bản thân vừa mới về nhận nhiệm vụ tại xã 2 tháng, vừa chuẩn bị cho bầu cử rồi phòng chống dịch nên chưa nắm hết được tình hình trên địa bàn xã. Sau khi kiểm tra, bà Phúc cung cấp biên bản photo viết tay do Phó Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Định Quán Huỳnh Tấn Lâm lập với nội dung, xác định vi phạm của Công ty TNHH XD MT Khang Trang do ông Trần Đình Luật xây dựng xưởng và bãi đá lăng (đá mồ côi) hơn 1.000m2 trên Đất trồng lúa, Đất rừng phòng hộ và Đất rừng đặc dụng không được nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Văn bản này giao cho UBND xã Thanh Sơn xử lý vì mức phạt 2 - 4 triệu (?). Phó Chủ tịch xã Thanh Sơn bà Phạm Thị Hương nói về việc khai thác đá trong rừng: “Người dân nói do đất nông nghiệp nhiều đá cứng nên họ lấy đá đi”!.
Trong khi đó, Trưởng Công an xã Thanh Sơn, Trung tá Lê Văn Dương cho biết: “Việc phá cây rừng thì Công an huyện Tân phú đã khởi tố vụ án, khai thác đào đá thì chúng tôi sẽ theo dõi, nhưng còn xe ben chở đá thì công an huyện mới xử lý được”.
Được biết, đây là khu rừng do Công ty Lâm nghiệp La Ngà quản lý.
Khoảng hơn 16 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi liên lạc với ông Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty qua điện thoại để trao đổi. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết: “Chúng tôi làm việc giờ hành chính đến 16 giờ 30 nên tôi không có ở công ty, để tôi xem có ai thì nói ra gặp các anh”.
Tuy nhiên, sau đó liên lạc bị cắt đứt.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.