Dân kinh doanh tự làm đường, đặt cống qua suối
Suối Sông Nhạn chảy từ đèo Mẹ Bồng Con về các lô cao su nông trường An Lộc rồi ra thác Giang Điền, vốn có hành lang bảo vệ nguồn nước nhưng thời gian trước nhiều nhà đầu tư bất động sản đến mua đất hai bên bờ, xây dựng các khu nghỉ dưỡng khiến dòng chảy bị ảnh hưởng, đe doạ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo người dân, vào năm 2019, tại km 07 đường ĐT 769, một chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp ở huyện Thống Nhất tự làm con đường băng qua đất nông nghiệp nối với địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Con đường này phải vượt qua suối Sông Nhạn nên những người thi công đã đặt 2 cống hộp để hoàn thành lối mở.
Vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về suối Sông Nhạn rất mạnh, nước dâng cao tới hơn 4m vì rác và các nhánh cây bịt miệng cống. Người dân vô cùng lo lắng trước việc tự đặt cống hộp, làm cầu bắt qua suối nên đã báo lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.
Tiếp nhận vụ việc, UBND huyện Thống Nhất đã chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay con đường và cây cầu tự làm ấy vẫn không có gì thay đổi. “Người dân làm cái cầu chứ không phải cái cống. Phòng đã chuyển cho Sở Xây dựng chờ thẩm định”, ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thống Nhất cho biết.
Con đường và cống hộp vẫn không có gì thay đổi. |
Không chỉ vậy, phía bờ suối Sông Nhạn thuộc huyện Thống Nhất, một ngọn đồi cao hàng chục mét thuộc thửa đất thửa 108, tờ bản đồ 89, bộ địa chính xã Hưng Lộc đã bị đào xới không thương tiếc. Khối lượng đất này được đưa đi san lấp ở bờ suối phía hạ nguồn, bóp nhỏ dòng chảy của con suối. Sự việc này, Ngày Nay đã từng phản ánh nhưng cơ quan chức năng vẫn không có động thái xử lý dứt điểm.
Bên kia bờ suối Sông Nhạn thuộc địa bàn huyện Cẩm Mỹ, nhiều công trình xây dựng mọc lên phá nát các hàng tre và cây lâu năm bên bờ suối. Họ cho lấy đá tảng dưới lòng suối lên và xây thành bờ thẳng đứng cao gần 2m với chiều dài hơn 500m. UBND huyện Cẩm Mỹ đã từng đình chỉ thi công nhưng việc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu vẫn chưa được thực hiện.
“Năm rồi mưa không nhiều, nếu năm nay mưa lớn như 4 năm trước thì nước lũ sẽ cuốn cả rẫy của chúng tôi mất. Trước đây, Ngày Nay lên tiếng thì họ dừng xây dựng, nhưng mấy ngày qua họ lại triển khai tiếp. Tôi không biết họ xây đúng hay sai nhưng người dân cần dòng chảy thông thoáng để tránh nguy hiểm. Mùa mưa, chúng tôi không ai dám ngủ trong rẫy vì sợ lũ về bất ngờ”, ông Lợi - người dân sống bên bờ suối lo lắng.
Nước suối Sông Nhạn dâng cao vào mùa mưa trước do xây dựng ép dòng chảy. |
Ông Chế Văn Thành - Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Về việc chủ đất không trả về hiện trạng ban đầu mà tiếp tục xây thì đây là xây lén. Cơ quan chức năng sẽ xử lý việc này và trả lời báo chí sau”.
Các trang trại chăn nuôi xả thải ra suối Sông Nhạn
Theo phản ánh của người dân, một ngày giữa tháng 5/2021, phóng viên Ngày Nay men theo dòng suối đã cạn cuối mùa khô, từ đầu nguồn thuộc ấp 94, xã Hưng Lộc đến đoạn thuộc ấp 2, xã Lộ 25 (Thống Nhất) dài khoảng 5km để ghi nhận tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường của các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đoạn suối đầy phân heo và bao tải dựng heo chết, gà vịt chết. |
Dưới lòng suối, hàng chục vũng phân heo đọng lại, bốc mùi hôi thối. Riêng đoạn gần cao tốc Long Thành - Dầu Giây còn xuất hiện nhiều bao tải đựng xác heo chết, gà vịt chết. Đây là khu vực sinh sống của đồng bào người Chơ Ro nhưng họ đã bỏ rẫy, bịt kín nhà cửa vì mùi hôi. Người dân cho biết, gần suối có hai trại heo của ông Nguyễn Cảnh và bà Nguyễn Thị Thu Hà (thuộc tổ 11, ấp 94, xã Hưng Lộc) không có hầm biogas nên xả thẳng ra suối.
Tiếp nhận phản ánh, UBND huyện Thống Nhất đã cử cán bộ phối hợp với UBND xã Hưng Lộc kiểm tra. Trao đổi với Ngày Nay, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc ông Lý Văn Thế cho biết: “Vì đây là trại chăn nuôi nhỏ lẻ nên cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện sau khi kiểm tra đã giao cho xã xử lý. Sau đó, UBND xã xử phạt hành chính mỗi trại 1.750.000 đồng theo quy định”.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thống Nhất nói: “Tôi sẽ xem xét lại chứ huyện đã đến lấy mẫu thì phải xử lý theo tiêu chuẩn, mức phạt dựa vào kết quả lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Hầu hết các sai phạm tương tự bị phạt không dưới 20 triệu và sẽ đóng trại chăn nuôi nếu tái phạm trên 2 lần. UBND huyện đã chỉ đạo phải cương quyết xử lý nghiêm việc chăn nuôi xả thải ra môi trường, chứ không chỉ có chuyện phạt hành chính – là không đủ sức răn đe”.
Dòng nước suối Sông Nhạn xuất hiện nhiều bao tải bốc mùi |
Chủ tịch UBND huyện Thông Nhất, ông Mai Văn Hiền khẳng định thêm: “Chúng tôi đã chỉ đạo các xã kiểm tra lại và nếu phát hiện trại chăn nuôi nào trên địa bàn xã xả thải trực tiếp ra suối thì Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm.”