Nêu quan điểm về việc 8 con hổ đã chết trong quá trình tịch thu, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, cho biết: “Việc phát hiện 24 cá thể hổ và các đối tượng chuyên nuôi nhốt, buôn bán hổ là một bước tiến lớn của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trong nỗ lực triệt phá các đường dây nuôi nhốt và buôn bán hổ lớn trên địa bàn tỉnh. Nếu không có các vụ bắt giữ như vậy thì không những toàn bộ 24 cá thể hổ này bị giết mà sẽ còn có hàng trăm cá thể hổ khác tiếp tục bị các đối tượng nuôi nhốt rồi giết hại để thu lợi bất chính”.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam, cho rằng những vụ bắt giữ này là hành động rất tích cực của lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An. Điều đó cho thấy vấn đề nuôi nhốt hổ bất hợp pháp, nuôi sinh sản hổ cần phải được chấm dứt trên toàn quốc, đặc biệt là ở Nghệ An.
Cũng theo Tiến sỹ Benjamin Rawson, các trang trại nuôi nhốt hổ này không những không có giá trị về bảo tồn mà còn làm hủy hoại những nỗ lực bảo tồn và thực thi pháp luật. Những cá thể hổ bị nuôi nhốt này không thể thả lại về tự nhiên, nơi loài hổ một thời đã hiện diện.
Những cá thể hổ được cứu cần được cấy chip điện tử, lấy mẫu ADN, chụp ảnh các sọc vằn nhận diện từng cá thể và xây dựng một cơ sở dữ liệu nhận dạng hổ. WWF sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình này.
Hiện nay, Công an tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục nỗ lực kết nối các cơ quan, đơn vị cần thiết để thực hiện việc chuyển giao số tang vật hổ tịch thu được. Cũng theo thông tin của ENV, toàn bộ 8 cá thể hổ chết hiện đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để sớm được chuyển giao tới Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Trong khi đó, 9 con hổ còn lại sẽ được chuyển đến Vườn thú Hà Nội hoặc các vườn thú, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hợp pháp khác.