Bệnh viện cũ xuống cấp, dự án BT vướng đền bù
Theo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xây dựng vào năm 1968 với diện tích khuôn viên hơn 5.000m2. Ban đầu, Bệnh viện được đặt tên là Bệnh viện Sùng Chính, đến năm 1978, chủ sở hữu giao cho Nhà nước quản lý và được đổi tên Bệnh viện Trần Hưng Đạo. Năm 1985, Bệnh viện Trần Hưng Đạo được đổi tên thành Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và chính thức mang tên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình trực thuộc Sở Y tế từ năm 2002.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM quá tải và xuống cấp sau hơn 55 năm hoạt động. |
Trải qua hơn 55 năm hoạt động, cơ sở hạ tầng bệnh viện đã xuống cấp và rơi vào cảnh quá tải không đảm bảo công tác khám chữa bệnh và đối mặt nguy cơ mất an toàn. Thực trạng này được Ngày Nay đề cập cụ thể trong bài viết: “Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống”.
Từ năm 2010, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chỉnh phủ và được chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình theo hình thức BT. Năm 2011, UBND TP thời điểm đó chỉ định Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải tỏa (thuộc Công ty Cổ phần Đức Khải) làm nhà đầu tư; tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng dự án BT.
Dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình có quy mô 500 giường trên diện tích khu quy hoạch hơn 5ha tại Khu 6A - Khu đô thị mới Nam thành phố, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Tổng vốn đầu tư đến thời điểm hiện tại hơn 2.166 tỷ đồng.
Diện tích đất cần thu hồi để làm dự án theo Quyết định số 3830/QĐ-UBND của UBND TP.HCM là hơn 5,2ha. Diện tích thu hồi thực tế, gồm: diện tích bồi thường trên 4ha; hơn 1ha đất rạch, đường… do Nhà nước trực tiếp quản lý và 179,6m2 lớp học tình thương do UBND xã Bình Hưng kê khai.
Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án là 62 hộ. Trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng có 39/62 hộ đồng ý nhận tiền, còn 23 hộ chưa đồng ý. Đến nay, nhà đầu tư đã tiếp nhận từ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh mặt bằng trống với tổng diện tích hơn 3ha, đạt 73,46% trên tổng diện tích cần phải giải phóng mặt bằng. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn cho đến nay dự án không thể triển khai.
Việc đền bù giải toả đến nay chưa hoàn tất. Khu vực xây dựng dự án bệnh viện vẫn là bãi đất trống xen lẫn nhà dân. |
Theo hợp đồng BT thì sau khi hoàn tất dự án, nhà đầu tư bàn giao cho UBND TP.HCM quản lý, sử dụng, khai thác. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ được thanh toán bằng một số khu nhà, đất khác.
Cuối năm 2019, tại Công văn số 5236/UBND-DA của UBND TP về chấm dứt chủ trương sử dụng quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho Hợp đồng BT các dự án. Trong đó: “Thu hồi chủ trương sử dụng 4 lô đất (ký hiệu số 4-35, 4-14, 4-17, 4-18 tại khu chức năng số 4) thuộc dân cư phía Bắc trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thanh toán cho Hợp đồng BT dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình huyện Bình Chánh tại công văn số 4159/UBND-QLDA ngày 04 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố”.
Theo Sở Y tế, từ năm 2019 đến nay thành phố chưa bố trí được quỹ đất để thực hiện thanh toán cho Hợp đồng BT của dự án này.
Kiến nghị đầu tư 2 dự án khác
Dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (Hợp đồng BT) đến nay 14 năm vẫn không triển khai được, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong tình hình hiện nay, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới bệnh viện tại chỗ ở địa chỉ số 929 Trần Hưng Đạo (P.1, Q.5).
Dự án đầu tư xây dựng Khối A Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình dự kiến tổng vốn 1.500 tỷ đồng. |
Theo Sở Y tế, dự án đầu tư xây dựng Khối A Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Dân dụng và Công nghiệp (Ban Dân dụng Công nghiệp) làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến là 1.500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện từ 2024 – 2028.
Ngày 12/4/2023, Sở Y tế có công văn số 2601/SYT-KHTC về việc xác định các dự án cấp bách của ngành y tế cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 bằng nguồn ngân sách thành phố và đề xuất các dự án có thể đầu tư từ việc huy động nguồn lực xã hội. Trong đó, Sở Y tế có đề xuất dự án Đầu tư xây dựng Khối A Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.
Đến tháng 8/2023, Sở Y tế trình Hội đồng thẩm định Sở Kế hoạch và Đầu tư dự án. Sang tháng 2/2024, UBND TP có Quyết định số 462/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng mới Khối A Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.
Đến nay, Sở Y tế đang phối hợp với Ban Dân dụng Công nghiệp và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hoàn chỉnh, chuyển Sở kế hoạch và Đầu tư, trình UBND và HĐND TP.HCM xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Cũng trong phản hồi Ngày Nay, Sở Y tế cho biết, thực hiện đề án phát triển y tế chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực, thành phố triển khai dự án Bệnh viện Chấn thương theo mô hình quốc tế.
Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương dự kiến thực hiện tại khu đất có ký hiệu YT-5 Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) |
Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương dự kiến thực hiện tại khu đất có ký hiệu YT-5 (diện tích 2,76ha) Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) được đầu tư với quy mô 1.000 giường bệnh và các chuyên khoa chủ lực, bao gồm: Cấp cứu, Hồi sức, Gây mê, Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Ngoại thần kinh, Ngoại tổng quát, Ngoại lồng ngực, Ngoại niệu,…
Dự án kết hợp với cấp cứu ngoại viện là mô hình mới đáp ứng nhu cầu chữa trị, chăm sóc cho người dân bị chấn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau (chấn thương đầu, lồng ngực, bụng hay chấn thương chi, cột sống…). Với cấu trúc và đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại theo nhiều chuyên khoa (cấp cứu, gây mê, hồi sức, phẫu thuật theo nhiều chuyên khoa khác nhau).
Ban Dân dụng Công nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch tại khu đất có ký hiệu YT-5 để có cơ sở thực hiện và đảm nhận nhiệm vụ Chủ đầu tư dự án Xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.940 tỷ đồng từ ngân sách TP. Thời gian thực hiện từ 2024 – 2028.
“Những năm gần đây, dân số thành phố phát triển nhanh cùng với sự gia tăng không ngừng về số lượng phương tiện giao thông, tốc độ đô thị hóa và sự phát triển của công nghiệp, dẫn đến sự gia tăng đáng kể các trường hợp tai nạn thương tích, mà chiếm phần lớn là tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Do đó, việc đầu tư phát triển cơ sở điều trị chấn thương chỉnh hình hiện đại, với kỹ thuật cao tại TP.HCM là một vấn đề hết sức cần thiết. Bệnh viện được đầu tư xây dựng mới sẽ góp phần rất lớn trong việc tham gia công tác cứu chữa, điều trị các trường hợp chấn thương, tai nạn thương tích tại thành phố và các tỉnh thành trong khu vực”, theo Sở Y tế TP.HCM.