Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tính đến nay đã 14 năm trôi qua kể từ lúc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương, dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM ở huyện Bình Chánh theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vẫn là bãi đất trống.

Bệnh viện cũ quá tải, xuống cấp

Lúc 8h30 sáng ngày 5/4/2024, bãi giữ xe của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM ở số 929 đường Trần Hưng Đạo (P.1, Q.5) kéo bảng thông báo không còn chỗ đặt ở lối vào, bên ngoài vài xe máy kiên nhẫn chờ đợi. Một vài người đến sau loay hoay hỏi thăm rồi di chuyển sang gửi tại một bãi giữ xe tư nhân bên kia đường.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống ảnh 1

Người dân chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Bên trong khu khám bệnh, hàng trăm người dân ngồi trên các dãy ghế nhựa chờ đến lượt. Phía khoa cấp cứu, nhiều người đủ mọi lứa tuổi, giới tính đang trong tình trạng băng bó tay hoặc chân nằm trên cán cứu thương được nhân viên y tế, người nhà đẩy qua đẩy lại, nét mặt ai nấy đều nhợt nhạt, tâm trạng lo lắng, bất an. Trên các tầng lầu, bác sĩ đang khám cho bệnh nhân nội trú, người thân đứng chờ bên ngoài hành lang.

Bệnh viện (cũ) hiện nay vẫn khá đông đúc nhưng tình trạng quá tải đã giảm đi phần nào khi cơ sở 2 được đưa vào hoạt động tại địa chỉ 201 Phạm Viết Chánh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) kể từ ngày 20/11/2023. Đây vốn là cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học, được trưng dụng như giải pháp tạm thời để giảm quá tải cho Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM được xây dựng vào năm 1968 với diện tích khoảng 5.000m2, quy mô 100 giường sau nâng lên 500 giường, diện tích 13.000m2. Theo thống kê năm 2022, mỗi ngày nơi này tiếp nhận từ 1.500-2.000 lượt khám và khoảng 700 ca nội trú. Bệnh viện luôn phải tải gần 5.000 người/ngày, bao gồm người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế, sinh viên và bác sĩ sang học tập….

Trải qua hơn 55 năm hoạt động, cơ sở hạ tầng bệnh viện hiện xuống cấp trầm trọng. Từ bên ngoài nhìn vào đã thấy rõ những vệt sơn bong tróc, cũ kỹ, ký túc xá của Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng nằm chắn một phần cơ sở khiến cổng vào trông chật hẹp hơn. Phía bên trong các khu khám bệnh, điều trị chật chội, nhiều mảng tường, trần nhà ngấm nước, ố vàng… đối mặt nguy cơ mất an toàn và không đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

Tình trạng quá tải, xuống cấp tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM (cũ) kéo dài hơn chục năm qua, trong khi đó, dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở huyện Bình Chánh suốt 14 năm qua vẫn… nằm trên giấy.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống ảnh 2

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM quá tài và xuống cấp nhiều năm.

Lại là Đức Khải - Phát Đạt

Tháng 3/2010, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho thành phố được thí điểm dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.132 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng công trình tại Khu 6A - Khu đô thị mới Nam thành phố, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh trên diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 3ha, quy mô 500 giường bệnh, thời gian thực hiện từ năm 2010-2012.

Đầu tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 543 chấp thuận về chủ trương theo kiến nghị này. Cùng năm, UBND TP.HCM có Quyết định số 3830/QĐ-UBND chấp thuận thu hồi đất và giao cho Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả (thuộc Công ty Cổ phần Đức Khải) thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị xây dựng bệnh viện.

Đến tháng 3/2011, UBND TP có văn bản chấp thuận chỉ định nhà đầu tư dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả. Hơn một năm sau, UBND TP và Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả ký tắt hợp đồng số 08-2012/HĐBT-KT/TCT-UBND ngày 26/4/2012 để thực hiện dự án. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, phương án bồi thường mới được thông qua, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh có trách nhiệm triển khai.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống ảnh 3

Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Bình Chánh vào năm 2014 để chuẩn bị xây dựng bệnh viện.

Chưa rõ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân khu vực dự án cụ thể như thế nào. Nhưng trong tài liệu mà phóng viên thu thập được có đoạn: “Gia đình tôi được bồi thường một mét vuông đất bị thu hồi là 200.000 đồng. Không đồng ý, gia đình đấu tranh, khiếu nại, khởi kiện thì sau đó mức bồi thường tăng lên hơn 3 triệu đồng/m2”.

Ông N.T cho biết, chính sách đền bù hỗ trợ tái định cư giữa các gia đình không giống nhau, giá tiền cho một mét vuông đất bị thu hồi cũng tương tự. “Sự việc kéo dài, cha mẹ già yếu, kinh tế khó khăn, chỗ ở tạm bợ… cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên gia đình tôi đành bỏ việc đi khiếu nại, khởi kiện và đồng ý nhận tiền bồi thường. Gia đình không đồng ý mức giá bồi thường này nhưng vì mong muốn cuộc sống được ổn định và những khó khăn vừa nói nên mới nhận số tiền trên”. Sau đó, người dân nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng chưa có kết quả.

Đến thời điểm cuối năm 2014, dự án bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình vẫn chưa khởi công xây dựng. Tháng 8/2015, nhà đầu tư được chỉ định là Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả ký hợp đồng hợp tác phát triển bất động sản số 36–2015/HĐHTĐT-TCT-PDC với Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) để xây dựng bệnh viện mới. Hai bên thống nhất thành lập một công ty BT để triển khai.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống ảnh 4

Báo cáo thường niên của Công ty Phát Đạt nêu tiến độ các dự án BT đang thực hiện.

Thông tin công khai của Sở Y tế cho thấy, thời điểm cuối năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã đội lên khoảng 1.680 tỷ đồng. Thời gian dự kiến khởi công là Quý II/2017. Từ năm 2016 đến nay, các báo cáo thường niên và báo cáo tài chính của Công ty Phát Đạt nhiều lần đề cập đến dự án, trong đó đến năm 2019, tổng vốn đầu tư được doanh nghiệp này cập nhật lên đến hơn 2.166 tỷ đồng; còn năm 2023 vẫn là: “Thực hiện thủ tục pháp lý dự án”.

Từ vòng xoay khu Trung Sơn, luồn lách qua nhiều con hẻm nhỏ hẹp, ngang qua khu đất từng được giao cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai dự án khu dân cư mới đến được nơi dự kiến xây dựng bệnh viện. Ghi nhận thực tế, trên toàn phạm vi dự án là nhiều nhà dân xen kẽ cây cối um tùm. Bảng thông tin dự án chỉ còn trơ lại khung sắt. Tại đây hoàn toàn không có dấu hiệu xây dựng. Liền kề khu đất này một dự án bệnh viện khác cũng chưa khởi công.

Theo quy định, sau khi hoàn thành bệnh viện, nhà đầu tư sẽ bàn giao cho TP.HCM quản lý, sử dụng, khai thác. Đổi lại, thành phố ưu tiên cho nhà đầu tư mua khu đất của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hiện hữu (929 Trần Hưng Đạo, Q.1) nhưng việc này không khả thi. Sau này, nhiều khu đất khác ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) được đề xuất bổ sung vào quỹ đất thanh toán nhưng đã chấm dứt chủ trương từ năm 2019. Hiện, vướng mắc trong quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư vẫn đang được rà soát.

Đã 14 năm, dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở huyện Bình Chánh vẫn “án binh bất động” bất kể bệnh viện cũ ngày càng xuống cấp và quá tải. Mới đây, Sở Y tế đã có đề xuất TP sớm chấm dứt dự án BT này để chuyển sang đầu tư bằng hình thức khác, ở vị trí khác. Phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM để trao đổi các vấn đề liên quan. Ông Nam cho biết sẽ chỉ đạo xử lý thông tin và phản hồi.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống ảnh 5

Sau 14 năm, dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở huyện Bình Chánh vẫn chưa hoàn thành. Bảng thông tin trơ lại khung sắt.

Cả 3 dự án đổi đất lấy hạ tầng liên quan đến Phát Đạt với giá trị đến thời điểm hiện tại đội lên đến 5.000 tỷ đồng là: Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (1.953 tỷ đồng), Hạ tầng Kỹ thuật nội bộ Khu Cổ đại (936 tỷ đồng, thuộc Công viên Lịch sử Văn hoá dân tộc TP.HCM) và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở huyện Bình Chánh (2.166 tỷ đồng) có nhiều điểm chung. Ban đầu, dự án được chỉ định cho Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả (thuộc Công ty Cổ phần Đức Khải), sau đó một thời gian Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt xuất hiện trong Liên danh nhà đầu tư bằng nhiều cách khác nhau. Và đến nay, cả 3 dự án đều không thể hoàn thành đúng tiến độ.

Một loạt dự án BT dính sai phạm

Năm 2008, Chính phủ chấp thuận đề nghị của Công ty Cổ phần Đức Khải cho phép thành lập thí điểm Tổng Công ty Cổ phần Đền bù giải tỏa. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được phép hoạt động thí điểm trong lĩnh vực đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi theo pháp luật hiện hành chỉ có Nhà nước mới được thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo văn bản 642/TTg-ĐMDN của Chính phủ năm 2008, thời gian thí điểm loại hình doanh nghiệp mới này trong 5 năm. Tổng công ty sẽ thực hiện đền bù giải tỏa, sau đó bàn giao đất sạch cho UBND cấp tỉnh để đấu giá quyền sử dụng đất. Tổng công ty cũng có thể thực hiện bồi thường giải tỏa, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và có trách nhiệm nộp cho Nhà nước một tỷ lệ thích hợp từ phần lợi nhuận thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống ảnh 6

Chính phủ chấp thuận đề nghị của Công ty Cổ phần Đức Khải cho phép thành lập thí điểm Tổng Công ty Cổ phần Đền bù giải tỏa.

Năm 2009, Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải tỏa đề xuất, xin đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) với tổng kinh phí lên đến gần 3.200 tỷ đồng theo hình thức BT. Tuy nhiên, UBND TP.HCM năm đó không chấp thuận chủ trương: “Bệnh viện Nhi đồng 2 là kiến trúc cần bảo tồn, giữ lại những mảng xanh trong khu vực nội thành. Do đó, không chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng của Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải tỏa vì gây lãng phí ngân sách không cần thiết”.

Kể từ năm 2010, Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả được chỉ định làm nhà đầu tư nhiều dự án BT khác. Và sau đó nhiều năm, các dự án BT này đều về tay một doanh nghiệp bất động sản thứ hai là Công ty Phát Đạt làm dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về năng lực thật sự của doanh nghiệp này cũng như những cú bắt tay, ký kết phía sau?!

Thời gian qua, nhiều dự án BT ở TP.HCM liên tục dính lùm xùm chậm tiến độ và quản lý công sản, như: Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến Nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1;Dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2…. Trước đó, Dự án BT đầu tiên ở TP.HCM là Xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước 44 triệu USD.

Trên phạm vi cả nước, mới đây Bộ Công an khởi tố vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Trong đó, tỉnh Khánh Hoà từng chấp thuận chỉ định cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện 3 dự án BT với mức đầu tư khoảng 3.562 tỷ đồng. Đổi lại, doanh nghiệp được giao quỹ đất trên 20ha tại sân bay Nha Trang cũ.

Doanh nghiệp này cam kết đưa các công trình trên vào hoạt động năm 2017, song những dự án trên đều chậm tiến độ. Ngoài ra, Tập đoàn Phúc Sơn còn bị truy thu hơn 11.000 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước liên quan đến siêu dự án Khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang xây dựng trên phần diện tích 62ha đất sân bay Nha Trang cũ.

Phát Đạt được ưu ái ra sao ở các dự án BT? - Bài 3: BV Chấn thương Chỉnh hình mới vẫn là đất trống ảnh 7

Nhiều dự án đổi đất lấy hạ tầng tại TP.HCM dính lùm xùm chậm tiến độ và quỹ đất thanh toán.

Trước việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện sai phạm tại dự án BT ở nhiều địa phương, vấn đề quản lý đất đai, quản lý tài sản công rất cần được làm rõ để đảm bảo tính minh bạch, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước và củng cố niềm tin của người dân chấp nhận nhường nơi ở để phục vụ dự án!. Nhận thấy nhiều bất cập, Quốc hội cũng đã loại bỏ phương thức hợp đồng BT trong Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 1/1/2021.

TIN LIÊN QUAN
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
(Ngày Nay) - Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.
Ảnh minh họa
Sự kế thừa, phát triển những giá trị của Quốc hiệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Ngày Nay) - Trải qua quá trình lao động sản xuất không ngưng nghỉ nhằm thích ứng với tự nhiên và ứng phó với những yếu tố bên ngoài, sự xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam là thành quả nỗ lực lớn lao của cộng đồng người Việt, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước dân tộc ta.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với người trẻ Trung Quốc, sự độc lập của cá nhân là nền tảng và ưu tiên hàng đầu của việc hẹn hò và các mối quan hệ. Ảnh: Weixin
Trung Quốc: Giới trẻ chuộng hẹn hò "độc thân"
(Ngày Nay) - Giới trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng áp dụng những cách tiếp cận mới trong việc hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ, sự thay đổi được phản ánh qua việc dân số độc thân ở nước này ngày càng gia tăng.