Đức - chìa khoá để Mỹ đánh bại Trung Quốc

(Ngày Nay) - Một liên minh với nòng cốt là Mỹ và Đức sẽ giúp Washington đánh bại Bắc Kinh trong cuộc chiến về thương mại, công nghệ và ảnh hưởng toàn cầu.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Canada năm 2018. (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Canada năm 2018. (Ảnh: Getty Images)

(Bài viết trích dẫn quan điểm của Thomas L. Friedman, nhà báo 3 lần đoạt giải thưởng Pulitzer và là một chuyên gia bình luận của The New York Times.)

Đức - chìa khoá để Mỹ đánh bại Trung Quốc ảnh 1

Chuyên gia bình luận Thomas L. Friedman. (Ảnh: Wikipedia)

Berlin - nơi cục diện được định đoạt 

Nếu đắc cử, thách thức lớn nhất về đối ngoại của Joe Biden chắc chắn là cuộc chiến Trung Quốc. Bởi Trung Quốc bây giờ đã hiếu chiến hơn rất nhiều, khác hẳn với thời của Barack Obama.

Đó là một Trung Quốc đang cố gắng thay thế sự thống trị về công nghệ của Mỹ. Đó là một Trung Quốc đang cố gắng xoá bỏ nền dân chủ tại Hồng Kông và kiểm soát dữ liệu cá nhân của người dùng.

Để đẩy lùi Bắc Kinh mà không làm hệ thống thương mại toàn cầu sụp đổ, Joe Biden sẽ phải tránh đi vào vết xe đổ lớn nhất của Donald Trump. Đó là thất bại trong việc xây dựng mối quan hệ với Đức, cường quốc số 1 châu Âu về sản xuất và xuất khẩu.

Berlin là nơi đã đánh dấu chiến thắng của Mỹ trong Cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Hiện nay, cuộc “Chiến tranh Lạnh 2.0” về thương mại, công nghệ và ảnh hưởng toàn cầu với Trung Quốc đã đến rất gần. Cục diện cuộc chiến này cũng nên được định đoạt chính tại Berlin.

Đức - chìa khoá để Mỹ đánh bại Trung Quốc ảnh 2

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1991 đã đánh dấu chiến thắng của Mỹ trước Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: Pew Research)

Sự phát triển của Berlin kéo theo sự phát triển của Đức - và tiếp đó là sự phát triển của cả Liên minh châu Âu (EU). Bất kỳ nước nào có thể khiến EU về phe mình đều sẽ chiếm ưu thế trong cuộc cách mạng thương mại kỹ thuật số toàn cầu - với tiêu chuẩn công nghệ và quy tắc thương mại là 2 yếu tố quyết định.

Cứng rắn là chưa đủ

Theo quan điểm của tôi, Trump là vị Tổng thống cứng rắn nhất với Trung Quốc trong lịch sử Mỹ. Một người bạn của tôi vẫn thường nói: Trump có thể không phải là vị Tổng thống có tài năng, nhưng ông ta xứng đáng được công nhận bởi sự cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump vẫn chưa thể đảm bảo cho một nền thương mại thực sự “có đi có lại” nếu Mỹ mở cửa với Trung Quốc.

Trump đã áp hàng tỷ đô la thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, để buộc Trung Quốc phải mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách cắt giảm lượng nông sản mua từ Mỹ, khiến hàng triệu nông dân Mỹ phải khốn đốn.

Kể từ khi ký kết thỏa thuận, Trung Quốc đã từng bước để mở cửa thị trường cho các ngân hàng và nông dân Mỹ, nhưng việc mua các sản phẩm của Mỹ vẫn còn rất xa. Bởi lời hứa mua 200 tỷ USD hàng hoá của Mỹ sẽ được Trung Quốc thực hiện vào cuối năm sau, theo The New York Times.

Đức - chìa khoá để Mỹ đánh bại Trung Quốc ảnh 3

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu ngày 15/1. (Ảnh: Reuters)

Thực ra, tôi thích sử dụng cụm từ “1,3 tỷ người nói tiếng Trung Quốc” hơn là “đất nước Trung Quốc”. Bởi hành vi của 1,3 tỷ người nói tiếng Trung đó - những người đang sống trong một nền kinh tế vô cùng năng động, sẽ không dễ bị thay đổi bởi 328 triệu người Mỹ cùng chiến lược “nước Mỹ trên hết” của Trump.

Từ chối liên minh với Đức là một sai lầm

Sai lầm lớn nhất của Trump đó là doạ áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ EU, và cắt giảm lực lượng quân sự của Mỹ tại Đức. Trump lẽ ra nên ưu tiên phát triển quan hệ đối tác với Thủ tướng Đức Angela Merkel - người cũng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc như Trump.

Đức - chìa khoá để Mỹ đánh bại Trung Quốc ảnh 4

Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định rút 12.000 lính Mỹ khỏi Đức ngày 29/7. (Ảnh: Reuters)

Tiềm lực quân sự của Đức hiện tại gần như là vô dụng nếu so sánh với Nga. Nhưng với vị thế là một siêu cường về sản xuất và xuất khẩu, Đức là sẽ là đồng minh quan trọng nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức đã hỏi tôi rằng: “Chúng tôi chia sẻ những bất đồng của Mỹ với Trung Quốc, nhưng tại sao Trump chưa bao giờ cố gắng giải quyết vấn đề đó với các đồng minh châu Âu?”

Hãy làm một phép so sánh. Khi vừa nhậm chức, Trump đã xé bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, hiệp định này đặt ra các quy tắc thương mại tự do phù hợp với lợi ích của Mỹ, và được hỗ trợ bởi 12 nền kinh tế lớn nhất Thái Bình Dương - ngoại trừ Trung Quốc. Chưa dừng lại, ông ta đang tiếp tục khiến quan hệ của Washington và Berlin suy yếu.

Đức - chìa khoá để Mỹ đánh bại Trung Quốc ảnh 5

Ông Donald Trump nâng cao lệnh rút khỏi TPP ngay sau khi ký và gọi đây là điều tốt đẹp dành cho người lao động Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Nhưng đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại có những tuyên bố như “việc đảm bảo các quyền tự do của chúng ta khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc là sứ mệnh của thời đại chúng ta,” hay “đây là lúc để một nhóm mới gồm các quốc gia cùng chí hướng, một liên minh mới của các nền dân chủ được thành lập.”

Nếu thực sự coi cuộc chiến với Trung Quốc là “sứ mệnh của thời đại chúng ta”, thì tại sao bạn lại phàn nàn về chi tiêu quốc phòng của Đức nhằm vào Nga - trong khi có thể không làm vậy, và kéo cả EU về phe mình?

“Điều Trung Quốc lo ngại nhất, chính là thứ mà Trump đã từ chối xây dựng”

Hệ sinh thái công nghệ là một cộng đồng kinh tế được hỗ trợ bởi nền tảng là sự tương tác giữa tổ chức và các cá nhân. Cộng đồng này sẽ là nguồn cung cấp các dịch vụ, sản phẩm có giá trị cho khách hàng và họ là một phần tất yếu của hệ sinh thái.

Đúng là các quốc gia thuộc EU đang cảnh giác với việc vướng vào cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh - hoặc phải lựa chọn giữa hệ sinh thái công nghệ của một trong hai nước. Tuy nhiên, năm ngoái Liên minh Châu Âu đã gọi Trung Quốc là một “đối thủ có tổ chức”.

Theo Michael Mandelbaum, Giáo sư về Chính sách Đối ngoại của Mỹ tại Trường Đại học Johns Hopkins, “Mỹ đã chiến thắng trong ba cuộc xung đột lớn của thế kỷ 20 - Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Chiến tranh Thế giới thứ Hai và Chiến tranh Lạnh. Lý do là bởi Mỹ luôn đóng vai trò quan trọng trong những liên minh mạnh nhất thời bấy giờ.” 

“Trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Mỹ là thành viên của Khối Hiệp ước. Đến Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ gia nhập Khối Đồng minh. Và trong cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thành lập nên một liên minh để đánh bại Liên Xô. Theo tôi, Mỹ nên tiếp tục áp dụng chiến thuật này để chiến thắng Trung Quốc,” Giáo sư Mandelbaum cho biết thêm.

Điều Trung Quốc lo ngại nhất, chính là thứ mà Trump đã từ chối xây dựng. Đó là một liên minh thống nhất, bao gồm các thành viên thuộc TPP, Mỹ và EU - với nòng cốt là Mỹ và Đức.

Đức - chìa khoá để Mỹ đánh bại Trung Quốc ảnh 6

Với một liên minh mạnh mẽ gồm các thành viên thuộc TPP và EU, Mỹ hoàn toàn có thể kiềm chế Trung Quốc. (Ảnh: The Sun)

Nếu cuộc chiến này chỉ là của riêng Washington, với mục tiêu làm nước Mỹ vĩ đại trở lại - chắc chắn  Mỹ sẽ thất bại. Nhưng nếu Washington biến đây thành cuộc chiến của cả thế giới với Trung Quốc, họ hoàn toàn có thể “bẻ cong” Trung Quốc theo cách họ muốn.

Nhà kinh tế học Tyler Cowen đã chia sẻ rất chính xác trên tờ Bloomberg rằng, “Mỹ đã làm đúng mọi thứ trong chiến dịch chống lại Trung Quốc, chỉ trừ duy nhất một điều, đó là cách đối phó.”

Năm 1970, Richard Nixon và Henry Kissinger đã tạo ra một nước cờ chiến lược vĩ đại, đó là xây dựng liên minh giữa Trung Quốc và Mỹ để kiềm chế Liên Xô. Thời nay, nước cờ chiến lược vĩ đại là thành lập một liên minh giữa Mỹ và Đức để đối đầu với Trung Quốc.

Theo The New York Times
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.