Ngày 27/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết lượng khí đốt dự trữ của nước này đã tăng lên 46% từ mức khoảng 20% vào cuối mùa Đông và điều này đã giúp Berlin giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Bộ trưởng Habeck cho biết trước cuộc xung đột tại Ukraine, Đức nhập khẩu mỗi năm khoảng 45 tỷ m3 khí đốt của Nga, song ở thời điểm hiện tại, lượng khí đốt tiếp nhận từ Nga đã giảm xuống chỉ còn khoảng từ 30-33 tỷ m3. Trong năm ngoái, Đức nhập khẩu tổng cộng 142 tỷ m3 khí đốt.
Theo ông, Đức đã có những nỗ lực đáng kể như xây các trạm tiếp nhận khí hoá lỏng nhằm thay thế nguồn cung khí đốt của Nga với mục tiêu muộn nhất tới năm 2024, Đức có thể độc lập với nguồn khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Habeck cảnh báo không nên bỏ lỡ mục tiêu bảo vệ khí hậu bao trùm khi muốn nhanh chóng thoát khỏi nguồn năng lượng hóa thạch. Cụ thể, với mỗi KWh sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, cần phải tăng gấp đôi lượng điện sản xuất bằng nguồn năng lượng tái tạo. Với Đức, lượng điện sạch được tăng gấp 3 hoặc 4 lần.
Ông cũng đánh giá cao kết quả đạt được tại Hội nghị các bộ trưởng khí hậu, môi trường và năng lượng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa đạt được, trong đó các nước lần đầu tiên cam kết loại bỏ than đá để sản xuất điện. Mặc dù không đưa ra thời điểm cụ thể, song hầu hết các nước G7 đều nhất trí sẽ chạm mục tiêu này vào những năm 2030.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Hòa bình Xanh công bố ngày 26/5, các nước G7 có thể tiết kiệm được gần 20% lượng khí đốt tiêu thụ trong 3 năm tới mà không cần phải sử dụng năng lượng hạt nhân, sinh khối, than hoặc giảm quy mô sản xuất công nghiệp.
Theo tổ chức này, việc tiết kiệm khí đốt cũng sẽ cho thấy rõ quyết tâm của G7 đối với việc khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C, dần tách khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo.