Cụ thể, phía EU đã công bố một chính sách mới nhằm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm sự hiện diện của các tàu lớn của Trung Quốc tại bãi Ba Đầu gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực", một phát ngôn viên của EU nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.
Liên minh châu Âu một lần nữa khẳng định quan điểm và phản đối mạnh mẽ "các hành động đơn phương có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế".
Phía EU kêu gọi tất cả các bên giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 trước những yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển này.
Trung Quốc sau đó đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của EU rằng sự hiện diện của tàu thuyền nước này tại bãi đá ngầm Ba Đầu gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh tại khu vực.
Phái đoàn Trung Quốc tại EU trong một tuyên bố hôm thứ Bảy cũng khẳng định rằng việc các tàu hoạt động trên vùng Biển Đông là "hợp lý và hợp pháp".
“Biển Đông không nên trở thành công cụ để một số quốc gia kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, càng không nên trở thành khu vực cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc”, phía Trung Quốc tuyên bố.
Trước đó, Chính quyền Bắc Kinh đơn phương khẳng định chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông đã được hình thành trong "quá trình lịch sử lâu dài và phù hợp với luật pháp quốc tế" và tuyên bố phán quyết của Tòa án năm 2016 là "vô hiệu".