Phía AstraZeneca đáp lại rằng hành động pháp lý của EU là không có cơ sở và cam kết sẽ bảo vệ mình một cách mạnh mẽ trước tòa.
Theo hợp đồng, công ty Anh-Thụy Điển đã cam kết thực hiện “những nỗ lực hợp lý nhất” để cung cấp 180 triệu liều vaccine cho EU trong quý II năm nay, trong tổng số 300 triệu liều trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 6.
Nhưng AstraZeneca cho biết trong một tuyên bố vào ngày 12/3 rằng họ sẽ chỉ cung cấp 1/3 số vaccine trong cam kết vào cuối tháng 6, trong đó khoảng 70 triệu liều sẽ là được giao trong quý hai. Một tuần sau đó, Ủy ban châu Âu đã gửi một bức thư pháp lý cho công ty như bước đầu tiên của thủ tục để giải quyết tranh chấp.
Sự chậm trễ của AstraZeneca đã góp phần cản trở hoạt động tiêm chủng của EU, vì loại vaccine do Đại học Oxford phát triển ban đầu được cho là chủ lực trong đợt tiêm chủng của Liên minh châu Âu vào nửa đầu năm nay. Sau nhiều lần cắt giảm nguồn cung, EU này đã thay đổi kế hoạch và hiện chủ yếu dựa vào vaccine Pfizer-BioNTech.
“Ủy ban đã bắt đầu hành động pháp lý chống lại AstraZeneca vào thứ Sáu tuần trước”, phát ngôn viên của EU nói trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh rằng tất cả 27 quốc gia EU đều ủng hộ động thái này. “Một số điều khoản của hợp đồng đã không được tôn trọng và công ty không có đủ khả năng để đưa ra một chiến lược đáng tin cậy để đảm bảo cung cấp các liều thuốc kịp thời".
Trong khi đó, công ty AstraZeneca khẳng định đã hoàn toàn tuân thủ hợp đồng với Ủy ban châu Âu và sẽ bảo vệ mình trước tòa.
"Chúng tôi tin rằng bất kỳ vụ kiện tụng nào cũng đều không có giá trị và chúng tôi hoan nghênh cơ hội này để giải quyết tranh chấp càng sớm càng tốt”, phía AstraZeneca cho biết.
Theo hợp đồng, vụ kiện sẽ được giải quyết bởi các tòa án của Bỉ.