Động thái mạnh tay của Facebook nhanh chóng bị chỉ trích bởi các hãng thông tấn và các nhà lập pháp. Nhiều trang Facebook luôn đăng tải các nội dung chính thống về y tế hoặc môi trường cũng là nạn nhân của lệnh cấm này.
“Facebook có thể ngay lập tức chặn các trang có nội dung tích cực, nhưng họ không thể gỡ các video tội phạm giết người bằng súng? Thật đáng kinh ngạc. Không thể tin được. Không thể chấp nhận được. Đây là một sự kiêu ngạo", nhà lập pháp Australia Madeleine King bày tỏ quan điểm.
Trước đó, cả Facebook và Google đều phản đối dự luật ủng hộ các hãng thông tấn của chính phủ Australia, qua đó quy định hai gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho các nội dung tin tức.
Tuy nhiên, Google gần đây đã có thỏa thuận với tập đoàn truyền thông News Corp của ông trùm Rupert Murdoch về một "khoản thanh toán đáng kể".
Dự luật mới yêu cầu Facebook và Google phải đạt được các thỏa thuận thương mại với các hãng thông tấn hoặc phải chịu sự phân xử của chính phủ Australia với một mức giá cụ thể.
Facebook cho biết dự luật của Australia "về cơ bản hiểu lầm" mối quan hệ giữa chính họ và các hãng thông tấn và nền tảng này phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng là tuân thủ quy định hoặc cấm chia sẻ nội dung tin tức.
Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết ông đã có một "cuộc thảo luận mang tính xây dựng" với CEO Facebook Mark Zuckerberg và các cuộc đàm phán sẽ còn tiếp tục.
Những thay đổi do Facebook thực hiện đã xóa sạch trang fanpage do các hãng thông tấn vận hành và xóa các bài đăng của người dùng cá nhân chia sẻ tin tức của Australia.
Lisa Davies, biên tập viên của nhật báo The Sydney Morning Herald, bày tỏ quan điểm: “Facebook đã làm tăng cơ hội cho những thông tin sai lệch, chủ nghĩa cực đoan nguy hiểm và các thuyết âm mưu tràn lan trên nền tảng của mình theo cấp số nhân”.
Các trang fanpage của nhiều hãng thông tấn như Nine, News Corp và Australian Broadcasting Corp, đóng vai trò là nguồn thông tin trung tâm trong các thảm họa thiên nhiên, đều bị bỏ trống.
Các trang y tế của hai bang Queensland và South Australia, nơi 1/4 dân số Australia sinh sống thường tiếp cận các tin tức về COVID-19, cũng đã trở nên trống trơn.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong một tuyên bố: “Đây là một sự kiện đáng báo động và nguy hiểm. Cắt quyền truy cập thông tin quan trọng cho cả một đất nước trong đêm là hành động vô lương tâm".